Mấy tháng gần đây, chị Hoa ở quận Gò Vấp được một người bạn giới thiệu về sản phẩm thịt heo hữu cơ với giá khá cao. Ban đầu chị chỉ có ý định mua về dùng thử nhưng khi dùng quen rồi thì chị thường xuyên đặt vì cảm thấy an tâm.
“Mặc dù các sản phẩm là hàng đông lạnh nhưng khi rã đông và chế biến thì thịt có một mùi thơm đặc trưng chứ không gây như sản phẩm tôi thường mua ở chợ, đặc biệt, xương heo nấu lên rất mềm. Mỗi tuần tôi đặt cửa hàng bán khoảng 1,5kg cả xương và thịt” - chị Hoa nói.
Cũng thường xuyên mua thịt lợn, gà hữu cơ, chị Linh ở quận 7 cho hay thời kỳ trước khi khu này chưa có thực phẩm hữu cơ, chị thường phải rủ 4 người bạn ở cơ quan mua chung sản phẩm tại hệ thống ở Hà Nội và nhờ họ vận chuyển vào trong TP HCM. “Hơn nửa năm nay tôi không phải tốn thêm phí vận chuyển hàng nữa vì đã tìm được cửa hàng ưng ý tại TP HCM. Tuy vậy, nhiều lúc tôi vẫn không mua được sản phẩm vì hết hàng, nên thường phải dặn cửa hàng để dành” - chị Linh chia sẻ.
Khảo sát của báo VnExpress tại TP HCM cho thấy số lượng các cửa hàng cung ứng thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng. Nếu trước đây, các cửa hàng này đa phần bán rau, củ, quả, hạt thì nay có thêm các sản phẩm gia cầm như tôm, thịt lợn, thịt bò, thịt heo. Trong đó, thịt heo hữu cơ là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nhất.
Tại các cửa hàng thực phẩm hữu cơ khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), sản phẩm thịt heo hữu cơ khá đa dạng với nhiều nhà cung cấp khác nhau, đa phần có xuất xứ tại Hà Nội. Sản phẩm 100% được cấp đông.
Quản lý tại cửa hàng Orfarm (quận 7) cho biết mỗi ngày bán khoảng 3-4 triệu đồng sản phẩm hữu cơ, trong đó, thịt heo được nhiều khách ưa chuộng. Vì công ty áp dụng công nghệ vi sinh vật hiện hữu của Nhật Bản (EM) vào nuôi heo, đồng thời, nguyên liệu làm thức ăn là những sản phẩm hữu cơ nên thời gian để có thành phẩm dài gấp đôi so với cách nuôi có tăng trọng, dẫn đến giá thành phẩm cao. Giá thịt heo của công ty bán tại cửa hàng ở TP HCM dao động 230.000-269.000 đồng một kg (tùy loại). Còn đối với gà, công ty cũng có nông trại riêng để thả và cho ăn cám gạo, giá 240.000-269.000 đồng một kg.
“Công ty của chúng tôi có mặt ở thị trường Việt Nam 3-4 năm nay và có 4 cửa hàng tại Hà Nội. Thời gian gần đây thấy nhu cầu của khách hàng TP HCM lớn, đặc biệt lượng khách hàng thân thiết trước đây đặt qua mạng nhiều nên công ty quyết định mở thêm cửa hàng tại TP HCM” - quản lý nơi đây chia sẻ.
Cũng bán khá chạy sản phẩm thịt heo hữu cơ, nhân viên tại cửa hàng Organic Market (quận 7) cho biết cửa hàng nhập thịt heo từ 2 công ty khác nhau tại Hà Nội. Với sản phẩm thịt heo của Công ty Bảo Châu có giá 270.000-320.000 đồng một kg, trong đó, sườn non và thịt ba chỉ có giá cao nhất. Còn đối với sản phẩm của công ty liên doanh có giá 310.000-400.000 đồng một kg, trong đó thịt ba chỉ và sườn non giá 394.000 đồng.
Theo nhân viên ở đây, các sản phẩm mặc dù đắt gấp 4 lần sản phẩm thông thường, thậm chí cao hơn cả thịt heo rừng nuôi nhưng vẫn khá hút khách. “Một đợt, chúng tôi nhập mỗi loại 5kg nhưng đơn vị cung ứng lúc nào cũng thiếu hụt vì lượng hàng khan hiếm. Do vậy, có đợt lấy về chỉ từ sáng đến trưa là khách đã lấy hết hàng, với đa phần khách hàng ở khu vực Phú Mỹ Hưng” - nhân viên Orgamic Market chia sẻ.
Lý giải về việc giá cả đắt đỏ, các cửa hàng trên cho biết, sản xuất rau quả, thịt heo hữu cơ phải tuân theo quy trình khắt khe của nông nghiệp, môi trường, nước thải; phân hữu cơ cũng phải được nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, giá nhân công chăm sóc, thời gian sinh trưởng thường cao hơn so với hình thức thông thường nên chi phí đội lên cao buộc các nhà sản xuất phải áp giá cao. Đồng thời, để đảm bảo sản phẩm không bị vi khuẩn xâm nhập nên toàn bộ heo sau khi mổ được cấp đông ngay tại lò.
Mặt khác, vì nhu cầu thị trường chưa lớn, số khách hàng chịu chi tiền để mua sản phẩm này chưa nhiều nên các nhà sản xuất chưa thể sản xuất hàng loạt khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa hấp dẫn.
TS Kiều Minh Lực cho biết organics là dòng thực phẩm cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nhu cầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn ở tỷ lệ rất thấp.
“Trước giờ trên thế giới sản phẩm thịt heo hữu cơ khá hiếm, đa phần là rau củ quả, trứng gà và các loại hạt. Đặc biệt, với gia súc gia cầm, để chuồng trại cũng như nguồn nguyên liệu hữu cơ đạt chuẩn phải chịu sự kiểm tra rất khắt khe của tổ chức có uy tín. Trong khi đó, tại Việt Nam thực phẩm gắn mác hữu cơ khá tràn lan” - ông Lực nói và khuyên, khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần hiểu rõ nguồn gốc và quy định về sản phẩm hữu cơ. Bởi lẽ, không phải tổ chức nào cũng có quyền cấp chứng nhận này.
Bình luận (0)