Ngày 5-5, tại TP HCM, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu đã đến làm việc với 2 hệ thống siêu thị Lotte và Big C về tình hình tiêu thụ thịt heo trong bối cảnh giá heo hơi thấp, người nuôi thua lỗ.
Nên sử dụng thịt đông lạnh
Sau khi khảo sát quầy kinh doanh thịt heo và làm việc với lãnh đạo hệ thống Lotte (quận 7), Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá siêu thị đã chủ động phối hợp với nhà cung cấp để giảm giá cho người tiêu dùng trong thời gian dài. "Tôi đã đi từ Bắc tới Nam và thấy giá thịt heo tại Lotte tương đối tốt, như ba chỉ giá 95.000 đồng/kg trong khi một số siêu thị bán hơn 100.000 đồng/kg" - bà nhận xét.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị siêu thị phối hợp với nhà cung cấp mở rộng kênh tiêu thụ như đưa hàng vào bếp ăn tập thể, tổ chức cấp đông và truyền thông để người tiêu dùng quen với thịt đông lạnh. Bà kêu gọi siêu thị và nhà cung cấp chia sẻ khó khăn với nông dân, có thể chấp nhận kinh doanh hòa vốn vì sau khủng hoảng thừa có thể sẽ thiếu hàng.
Quầy kinh doanh thịt heo tại Lotte (quận 7, TP HCM)
Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, thừa nhận Hàn Quốc cũng từng gặp trường hợp như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, khi thịt thừa, giá thấp thì được cấp đông, đợi giá lên bán ra. Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân gần như chỉ ăn thịt tươi, không thích dùng thịt đông lạnh.
Ông Hong Won Sik gợi ý Việt Nam nên xem xét thị trường các nước Đông Nam Á để tối ưu hóa chăn nuôi. Chẳng hạn, dân Hàn Quốc thích ăn thịt ba chỉ và sườn, không thích thịt thăn, nạc vai trong khi người tiêu dùng Nhật Bản thì ngược lại. Việt Nam nên khai thác yếu tố này để xuất khẩu, trung hòa thị trường.
Tại buổi làm việc, 2 nhà cung cấp thịt heo vào siêu thị cho biết đang mua heo của Công ty C.P và các hộ nuôi đạt chứng nhận VietGAP nên heo hơi bên ngoài dù giá rẻ vẫn không thể mua được. Một nhà cung cấp nhìn nhận đang mua heo của Công ty C.P với giá 30.000-35.000 đồng/kg và bán heo mảnh cho siêu thị với giá 51.000 -60.000 đồng/kg, không thể thấp như giá chợ do chất lượng tốt hơn.
Tại siêu thị Big C, đại diện lãnh đạo Centra Group cho biết thời gian qua, hệ thống bán lẻ của DN này đã đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo bằng nhiều hình thức kích cầu, giảm giá. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ trong tháng 4 tăng 40% so với trung bình các tháng trước khi xảy ra tình trạng sụt giảm mạnh giá heo hơi. Big C sẽ tiếp tục giảm giá bán. Ngoài thịt heo tươi, các sản phẩm chế biến từ thịt heo đã giảm giá hơn 19% (so với cùng kỳ năm 2016) từ tháng 5-2017.
Hướng đến sản xuất đạt chuẩn
Giá heo hơi sụt giảm đã ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mà TP HCM đang thực hiện.
Tại cuộc họp sơ kết 4 tháng thực hiện đề án này do UBND TP HCM tổ chức chiều 5-5, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, thừa nhận từ tháng 3-2017, đề án triển khai ở các chợ đầu mối tương đối tốt nhưng từ tháng 4-2017 gặp nhiều khó khăn do giá heo xuống thấp, thương nhân chợ Bình Điền lấy nguồn từ Long An không chịu đeo vòng nhận diện cho heo. Tuy nhiên, nguồn heo này vẫn có đủ giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Lãnh đạo Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết việc triển khai đeo vòng nhận diện từ tỉ lệ 100% ngày đầu (1-3) đã giảm xuống còn 49% do tiểu thương "so đo" với chợ Bình Điền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, có đến 51% sản lượng heo đeo vòng nhận diện thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hộ chăn nuôi và tổ hợp chỉ 7%. Như vậy, việc hỗ trợ 50% chi phí đeo vòng nhận diện cho nguồn heo nông hộ là chưa hiệu quả. "Đây là dịp để người chăn nuôi tái cơ cấu theo hướng lành mạnh, hướng đến sản xuất đạt chuẩn nếu muốn bán được sản phẩm" - ông Hòa nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị ban quản lý đề án kiên trì thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo và mở rộng ra các mặt hàng khác như thịt gà, trứng. Theo ông Tuyến, đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà sâu xa còn là việc thay đổi thói quen sản xuất của người dân để không tiếp tục phải "trả giá" như hiện nay cũng như tiến tới xuất khẩu.
Kienlongbank hỗ trợ người nuôi heo
Từ ngày 10-5, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi heo đã nhận cấp vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua. Trong 3 tháng, ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu lãi sau nhằm giúp họ có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi heo khi giá giảm ở mức kỷ lục thời gian qua.
T.Phương
Bình luận (0)