Sáng 30-8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM, đã ký quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang (chủ hệ thống cơm tấm Kiều Giang) số tiền 2,3 triệu đồng. Theo đó, cơm tấm Kiều Giang bị phạt về hành vi không bảo đảm vệ sinh khu chế biến, trang phục bảo hộ cho nhân viên không đầy đủ (tại thời điểm kiểm tra).
Thiệt hại nặng
Trước đó, ngày 21-8, Đội Quản lý ATTP số 2 thuộc Ban Quản lý ATTP TP đã kiểm tra định kỳ quán cơm tấm Kiều Giang tại 652 xa lộ Hà Nội (quận 9) và ghi nhận 3 lỗi vi phạm. Trong đó, có lỗi về lô hàng 1.029 kg nguyên liệu, phụ liệu không bao bì nhãn mác chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Lỗi này sau đó đã được cơ sở bổ sung hồ sơ và xác nhận hợp lệ.
Chuỗi cơm tấm Kiều Giang cho biết đã bị mất 1/3 lượng khách hàng vì những thông tin ban đầu thiếu chính xác Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, ngay trong ngày đoàn kiểm tra quán cơm Kiều Giang, trên một số báo xuất hiện các bản tin về buổi kiểm tra với những cụm từ mô tả mang tính quy kết như "phụ gia lạ", "bốc mùi", "nổi váng", "nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ", "không xuất trình được hóa đơn chứng từ"… Những bản tin này, một số được dẫn từ lời của cán bộ trong đoàn kiểm tra, một số từ phóng viên đi theo đoàn.
Khi thông tin được đăng tải đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, những người đã từng ăn uống tại các quán cơm Kiều Giang. Vài ngày sau đó, đại diện hệ thống cơm tấm Kiều Giang cho biết đã mất 1/3 lượng khách hàng và uy tín thương hiệu bị lung lay sau sự cố này.
Trước đó, chuỗi siêu thị Con Cưng cũng gặp sự cố tương tự nhưng về tem nhãn và xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, vào giữa tháng 7, Chi cục QLTT TP HCM phối hợp cùng Cục QLTT đồng loạt kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bày bán tại 3 cửa hàng Con Cưng tại TP HCM. Trực tiếp kiểm tra từng sản phẩm, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT, lưu ý các cán bộ QLTT một số nghi vấn về tem nhãn, xuất xứ…
Sau đó, chi cục QLTT TP HCM công bố báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại TP HCM cho biết cơ quan này đã thu giữ hơn 5.000 sản phẩm của Con Cưng vì "có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ với giá trị gần 500 triệu đồng".
Tiếp đó, ngày 31-7, tại cuộc họp báo thông tin kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), thông tin đơn vị này "đang triển khai kiểm tra trên toàn hệ thống của chuỗi siêu thị Con Cưng. Bước đầu, Tổ công tác 334 của cục và Chi cục QLTT TP HCM ghi nhận chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 dấu hiệu vi phạm".
Những công bố này cũng gây hoang mang dư luận, người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cuối cùng sau đó lại cho thấy Con Cưng có vi phạm rất nhẹ. Việc công bố thông tin ban đầu đã gây thiệt hại không nhỏ về uy tín, doanh số của doanh nghiệp (DN) này.
Công bố phải theo quy định
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam, các thông tin liên quan đến vi phạm về ATTP chỉ nên công bố khi có kết luận chính thức. Những thông tin ban đầu nếu không chính xác có thể làm tiêu tan sản nghiệp của một DN phải gầy dựng cả chục năm trời.
"Theo tôi, việc thanh - kiểm tra DN thực phẩm và phát hiện vi phạm là phổ biến, không lỗi này thì lỗi khác. Ngay cả những DN lớn, đầu tư cơ sở vật chất để đạt chuẩn xuất khẩu các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ cũng không phải lúc nào cũng đạt. Tuy nhiên, đoàn thanh tra nước ngoài họ có đánh giá đó là lỗi hệ thống hay lỗi riêng lẻ. Trong đó, lỗi hệ thống mới nghiêm trọng, còn lỗi riêng lẻ DN có thể khắc phục. Cơ quan chức năng chỉ nên công bố những vi phạm ATTP nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thông tin công bố cũng cần đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Những lỗi khác, nếu công bố cũng nên nêu rõ đây là lỗi nhẹ hay lỗi ít nghiêm trọng để không ảnh hưởng đến DN" - bà Minh kiến nghị.
Đại diện một DN thực phẩm lớn tại TP HCM cho rằng DN sẽ tâm phục khẩu phục khi vi phạm là có thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Song cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc xem đó là lỗi do sơ suất hay do DN cố tình gian lận để kiếm lợi nhuận bất chính.
"Tôi nói thật, khó có DN nào dám vỗ ngực xưng tên rằng 100% sản phẩm của mình là không có vi phạm. Sai sót có thể xảy ra ở nhiều khâu, vấn đề là cách DN nhìn nhận, giải quyết sự cố khi có sản phẩm lỗi. Đặc biệt, với nguyên liệu từ nông sản Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều quy định của Việt Nam chưa hợp lý, dẫn đến sản phẩm của DN có thể không đạt về pháp lý nhưng không hẳn là mất an toàn. Một số vi phạm liên quan đến chất lượng, các chỉ tiêu dinh dưỡng là do quy định cứng nhắc, không phải do DN cố tình" - đại diện DN này nói.
Chuyên gia kinh tế và chính sách thương mại - ông Đào Huy Giám - cho rằng giữ bí mật thông tin là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cơ quan thông tấn, truyền thông, DN và người thừa hành thuộc cơ quan quản lý nhà nước. "Ngay cả thông tin đã kết luận rồi cũng phải căn cứ theo luật, có thông tin được phép công bố, có thông tin thì không" - ông Giám nêu rõ.
Ông Giám còn chỉ ra thực tế hiện nay, do sự dễ dãi trong thực hiện nhiệm vụ mà thông tin chưa chắc chắn đã được công bố. Có trường hợp có sự móc nối giữa DN đối thủ với các cơ quan truyền thông để đưa thông tin bất lợi ra công chúng. Đó là cạnh tranh không lành mạnh và cần có giải pháp ngăn chặn thông qua hệ thống pháp luật. "Các bên liên quan cần quán triệt nguyên tắc bảo đảm thông tin bí mật theo quy định của pháp luật, tránh đưa tin khi chưa xác minh. Việc phổ biến thông tin phải theo quy định. Đặc biệt, phải xác định rõ thế nào là thông tin bí mật để có sự ứng xử cho phù hợp. Đó chính là trách nhiệm nghề nghiệp" - ông Đào Huy Giám lưu ý.
Bình luận (0)