Sáng 2-9, hòa chung không khí hân hoan kỷ niệm Quốc khánh trên cả nước, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với 3 địa phương có cao tốc đi qua tổ chức lễ thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia và là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thực hiện nghi thức cắt băng thông xe tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bày tỏ vui mừng khi trực tiếp dự lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc thông xe tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đặc biệt là tạo cơ hội mới để phát triển kinh tế toàn diện các địa phương trong vùng, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng; đồng thời tạo cơ hội mới đối với việc kết nối các khu kinh tế trong vùng. Tuyến cao tốc cũng góp phần kết nối vận tải quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia qua hành lang kinh tế Đông Tây.
"Điều quan trọng là việc hoàn thành dự án khẳng định quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh lộ trình để nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam, đây là tuyến đường chiến lược góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" – Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bắt tay, gửi lời cảm ơn đến JICA, WB
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời cảm ơn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ vốn cho dự án và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện dự án. Việt Nam luôn trân trọng và sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn mà các nước và các đối tác đã và đang tài trợ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên tuyến (đường gom, hệ thống rào chắn, biển báo,…). Yêu cầu VEC chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước trong tổ chức quản lý khai thác, bảo trì công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành, sản phẩm trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với hệ thống hạ tầng giao thông mới để tận dụng cơ hội mà đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang lại, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển của các tỉnh. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để huy động nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào.
Toàn tuyến cao tốc từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi đã được thông xe
Ngoài ra, lưu ý Bộ GTVT, VEC và chính quyền các địa phương cần quan tâm đến người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, làm sao để phát triển đường cao tốc song song với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, để người dân được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại…
Được khởi công ngày 19-5-2013, đi qua địa phận TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài hơn 139 km, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1,64 tỉ USD (tương đương 34.516 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỉ đồng), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 590,39 triệu USD (tương đương 12.419 tỉ đồng); công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với số tiền 5.298 tỉ đồng.
Tuyến chính cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h, đoạn đặc biệt khó khăn tốc độ 100 km/h; bề rộng nền đường 24,25 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 1 dải phân cách giữa, 2 làn dừng khẩn cấp, 2 lề đất. Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng thi công chính rất lớn, bao gồm khối lượng đất đá đào đắp lên đến 26,6 triệu m3; trên 1,8 triệu m3 cấp phối đá dăm; 1,5 triệu tấn bê tông nhựa các loại; 2.700 phiến dầm cầu bê tông và 130.000 m cọc khoan nhồi…
Chưa thu phí đoạn từ TP Tam Kỳ đi tỉnh Quảng Ngãi và ngược lại
Để phục vụ thi công dự án, tổng diện tích đất phải thu hồi là 1.180 ha với hơn 18.550 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.956 hộ gia đình, di dời 175 công trình công cộng… Các hạng mục thi công tại hiện trường được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng theo khung tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu của dự án, được Bộ GTVT phê duyệt, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu.
Trước đó, vào ngày 2-8-2017, đoạn hợp phần JICA tài trợ dài 65 km từ TP Đà Nẵng đi TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã được thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành. Sau 1 năm, tuyến đã phục vụ 720.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt, chưa kể 23.500 phương tiện miễn phí.
Theo VEC, để đảm bảo đúng quy trình, đơn vị đã ban hành mức phí sử dụng dịch vụ tuyến cao tốc đoạn KM0+000 đến KM131+500. Trong thời gian chờ sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, VEC sẽ chưa thu phí sử dụng dịch vụ đối với đoạn tuyến KM65+000 đến KM131+500 (đoạn từ TP Tam Kỳ đi tỉnh Quảng Ngãi). Riêng đoạn 65 km từ TP Đà Nẵng đi Tam Kỳ đã thu phí trước đó vẫn thu bình thường.
Trước đó, VEC đưa ra mức phí toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải trọng dưới hai tấn, các loại xe buýt là 200.000 đồng; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 290.000 đồng; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 390.000 đồng; xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 490.000 đồng và xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 790.000 đồng. Dự kiến thời gian thu phí 24 năm.
Bình luận (0)