Ngân hàng (NH) TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III-2018 với tổng lợi nhuận trước thuế vượt 6.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Các nguồn thu từ lãi thuần và lãi dịch vụ đều tăng mạnh, trong đó lãi từ dịch vụ của MB đạt tới 1.688 tỉ đồng.
Tại TMCP Quốc tế (VIB), kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy với các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế luỹ kế đạt 1.720 tỉ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ.
Doanh thu của VIB tăng 48% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập từ dịch vụ đều tăng mạnh. Đáng lưu ý, chi phí dự phòng của 9 tháng duy trì ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2017 trong bối cảnh VIB không còn dư nợ ở Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Hồi tháng 7 vừa qua, VIB là NH tiếp theo không còn dư nợ đã bán cho VAMC nhờ tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu của tổ chức này.
Bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng tiếp tục sáng sủa. Ảnh: Linh Anh
Báo cáo tài chính quý III của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng cho thấy lợi nhuận trước thuế của NH này tiếp tục vượt mốc 1.000 tỉ đồng khi đạt 1.014 tỉ đồng, bằng 84,5% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. NH cũng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sang mảng NH bán lẻ, thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm là 205 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Giải trình về lý do lợi nhuận trước thuế thấp hơn cùng kỳ, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ do NH đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới đã được NH Nhà nước cấp phép. Trong 9 tháng qua, NH này đã mở trên 140 điểm giao dịch mới.
Tại NH TMCP An Bình (ABBANK), 9 tháng đầu năm NH này cũng đạt hơn 658 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khá cao, các chỉ tiêu kinh doanh chính tiếp tục tăng trưởng khả quan. Nợ xấu của ABBANK được kiểm soát dưới 3% theo quy định.
Một NH cổ phần quy mô vừa, nhỏ khác có mức lợi nhuận khả quan là NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank). Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2018, Kienlongbank đạt 222 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, lợi nhuận của NH này đến từ khoản lãi đột biến nhờ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc NH HSBC Việt Nam, phân tích năm 2018 lợi nhuận của nhiều NH đạt kết quả khả quan, tốt nhất trong nhiều năm phần rất lớn là không trích lập dự phòng rủi ro. Một số NH dù doanh thu không tăng đột biến nhưng áp lực trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu không lớn như những năm trước, nên tổng lợi nhuận sau thuế ở mức cao.
Trong khi đó, một số NH tiếp tục bị "bào mòn" lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro. Theo Báo cáo tài chính quý III-2018 của NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombnak) vừa công bố, trong quý III, lợi nhuận trước thuế của NH này giảm khá mạnh so với cùng kỳ, do tăng mạnh trích lập dự phòng.
Tính chung 9 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank đạt tới 2.492 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới 1.178 tỉ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của NH này chỉ còn trên 1.300 tỉ đồng. Dù vậy, mức lãi này vẫn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ. Đổi lại, nợ xấu của Sacombank đã giảm mạnh so với hồi đầu năm.
Trước đó, khảo sát của NH Nhà nước cho thấy, dự kiến đến cuối năm phần lớn các NH đều kỳ vọng lợi trước thuế ở mức cao, tăng bình quân 18,63% so với năm trước.
Bình luận (0)