Ngày 10-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã lần đầu tiên công bố Sách trắng doanh nghiệp 2019. Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016 - 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi công bố Sách trắng doanh nghiệp 2019
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các địa phương sử dụng thông tin từ cuốn sách để đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương hiệu quả và bền vững.
"Những địa phương có thứ hạng thấp trong phát triển doanh nghiệp hằng năm cần nghiêm túc kiểm điểm, tìm ra các nguyên nhân, đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hiệu quả hơn"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
TP HCM dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động
Theo nội sung Sách trắng doanh nghiệp năm 2019, đến thời điểm 31-12-2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. TP HCM đang dẫn đầu cả nước với 228.267 doanh nghiệp, ở vị trí thứ 2 là Hà Nội với 143.119 doanh nghiệp.
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 ngàn tỉ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 ngàn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 ngàn tỉ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%).
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 ngàn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 ngàn tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Sách trắng doanh nghiệp 2019 cũng đưa ra những con số cụ thể về thu nhập trung bình một tháng của lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1% so với năm 2016.
"Khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2017 đạt cao nhất với 9,4 triệu đồng, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,8 triệu đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,2 triệu đồng"- ông Lâm nói.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, ông Lâm cho biết khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 đạt cao nhất với 11,9 triệu đồng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 11,4 triệu đồng.
Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 9,0 triệu đồng và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có mức thu nhập của người lao động thấp nhất với 7,4 triệu đồng nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nếu xét theo địa phương thì thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2017 cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 10,4 triệu đồng, thứ 2 là TP HCM với 9,9 triệu đồng và Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 với 9,2 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)