Ngày 18-3, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới", đã diễn ra tại Bạc Liêu.
Hội nghị do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND TP HCM, các tỉnh, thành ĐBSCL và Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm tiếp tục triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 đã được Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ký kết tại tỉnh Bạc Liêu vào tháng 12-2019.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng liên kết vùng, cho biết từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và ĐBSCL luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP HCM.
Lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch
Tuy nhiên, thời gian qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực diện và toàn diện. Đây cũng là giai đoạn khó khăn của du lịch cả nước, TP HCM và cả vùng ĐBSCL.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trong bối cảnh mới, ngành du lịch TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại. Để sớm hồi phục, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP HCM đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp thành phố đã khảo sát trong năm 2020.
Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn và nhất là phải bảo đảm cho du khách an toàn với covid-19; sản phẩm du lịch bằng đường thuỷ kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hoá, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác…
TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng thực hiện nhất quán quy định của Bộ Y tế và ban hành các quy định phòng chống dịch bệnh, quy trình xử lý liên quan đến Covid-19 kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tour tuyến và tạo sự an tâm, khuyến khích du khách đi du lịch.
"Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là thời cơ vàng để du lịch vùng giữa TP HCM và ĐBSCL phục hồi và phát triển. Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh như thời gian qua, cùng quyết tâm của lãnh đạo các địa phương thể hiện bằng việc ký kết Quy chế phối hợp thực hiện thoả thuận trong hội nghị, sự chủ động, sáng tạo, kiên trì của cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp, du lịch của vùng sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ" – bà Phan Thị Thắng nói.
Theo đó, Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương đã được ký kết tại hội nghị nhằm cụ thể hóa thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng…
Ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn từ 15-3. Trong ảnh: Lãnh đạo các địa phương thực hiện nghi thức khởi động lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá cao nỗ lực liên kết, hợp tác phát triển du lịch của TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng và triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết, chương trình hành động và kế hoạch công tác giai đoạn 2020-2021.
Hoạt động liên kết đã không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp… để giữ chân du khách.
"Liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. Việc xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới" – Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.
Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phát động mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới theo chủ trương của Chính phủ.
Bình luận (0)