Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết TP rất coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp (DN) cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước - DN và trường, viện. Với mục tiêu lấy DN làm trung tâm đổi mới và ứng dụng khoa học và công nghệ, từ năm 2011 đến nay, TP HCM đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, hỗ trợ DN, tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác 3 bên: Nhà nước, nhà khoa học, DN.
Mặc dù vậy, khoảng cách giữa các trường đại học và DN ngày càng nới rộng, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của không ít trường đại học chưa gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động và các DN. Trong khi đó, DN chưa có niềm tin vào trường đại học, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, đồng thời chưa nhận thức đầy đủ những lợi ích khi hợp tác với trường đại học.
Trao đổi tại buổi làm việc, các DN khẳng định đổi mới công nghệ là tất yếu và sống còn đối với DN sản xuất nói chung và lĩnh vực cơ khí - điện nói riêng. Theo ông Huỳnh Kiều Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt, dù muốn dù không, DN cơ khí - điện bắt buộc phải cập nhật và đổi mới công nghệ hằng quý, hằng năm. "Các trường, viện hãy coi DN là đối tượng nghiên cứu, sau đó là khách hàng và sau cùng là người đồng hành" - ông Sơn kiến nghị.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật trong 1 giờ thực hành trên động cơ do doanh nghiệp tặng Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng nghiên cứu và phát triển là nhu cầu bức thiết. Cạnh tranh thời hiện đại buộc DN phải nhanh chóng tiếp cận, thay đổi công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thật đáng tiếc nếu DN có thị trường, có khách hàng nhưng không có sản phẩm, đành bỏ qua cơ hội.
"Vừa rồi, đoàn DN Việt sang châu Âu gặp gỡ khách hàng, biết được thị trường châu Âu và Mỹ không dùng găng tay nhựa plastic nữa mà chuyển sang găng tay cao su tổng hợp. Chúng tôi mang mẫu găng tay đó về Việt Nam, hỏi khắp các trường viện, khu công nghệ cao nhưng chỉ có 1 DN Nhật Bản sản xuất được" - ông Việt Anh dẫn chứng và đề xuất nhà nước đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển để các giảng viên đại học vào đó nghiên cứu sản phẩm, công nghệ theo đơn đặt hàng hoặc chào hàng DN.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới mang lại cho Việt Nam những cơ hội và thách thức rất lớn. DN muốn khẳng định thương hiệu, vươn ra toàn cầu thì phải đổi mới sáng tạo. "TP HCM dành 2% ngân sách cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo nhưng chúng ta chưa sử dụng hết. TP HCM có 156 trường, viện và 141 tổ chức khoa học công nghệ nhưng kết nối trường, viện với DN chỉ đếm trên đầu ngón tay" - ông Phong nêu.
Cũng theo ông Phong, các chính sách của TP nhằm hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo cũng như tạo môi trường giúp DN hợp tác với nhà khoa học, viện trường vẫn chưa tạo ra các đột phá. "Tôi chăm chú lắng nghe DN, trường viện đặt hàng chính quyền TP để thực hiện mối liên kết này nhưng quá ít ý kiến" - ông Phong nói.
Bình luận (0)