Ngày 11-11, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc"
Tham gia tọa đàm có các lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở, ban, ngành của 36 địa phương trong cả nước, các Trưởng Cơ quan đại diện, Tham tán thương mại và Thương vụ của Việt nam tại Trung Quốc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và đông đảo các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản và dịch vụ hậu cần của Việt Nam.
Tọa đàm nhằm thảo luận về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhu cầu của Trung Quốc nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao gia tăng, qua đó góp phần phục hồi và hỗ trợ các ngành xuất khẩu nông, thuỷ sản trong nước vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Thị trường tiềm năng
Tại Tọa đàm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Nam Ninh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định quan hệ hai nước phát triển tốt, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản… là những thuận lợi cơ bản để ta đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng thời điểm hiện nay rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông, thuỷ sản của ta sang Trung Quốc
Tuy nhiên, Đại sứ và các Tổng Lãnh sự cũng nhấn mạnh yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông, thủy sản ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới chất lượng, phương thức sản xuất.
Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ và đưa ra nhiều đề xuất tham mưu cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc như thúc đẩy kết nối trực tiếp với hệ thống phân phối của Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán Nghị định thư mở cửa, tăng cường và đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực…
Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường
Từ góc độ các địa phương, doanh nghiệp, đại diện các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đồng Tháp và một số doanh nghiệp tiêu biểu đã nêu rõ tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, một số khó khăn, thách thức lớn, đồng thời đưa ra các đề xuất, "đặt hàng" cụ thể đối với các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thông quan, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai nước nhằm thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn...
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu về trong nước để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc
Từ góc độ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng thời điểm hiện nay rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông, thuỷ sản của ta sang Trung Quốc; đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này.
Trước mắt cần triển khai ngay một số giải pháp như nghiên cứu cơ bản về thị trường Trung Quốc, thị hiếu, quan tâm của Trung Quốc; cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách và những quy định mới của Trung Quốc, sự phản hồi của địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc đối với sản phẩm của ta; vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; tăng cường triển khai trên quy mô lớn hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm, qua đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, địa phương xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc.
Bình luận (0)