Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của nhiều loại thực phẩm trên khắp thế giới. Năm nay, nhiều mặt hàng nhập khẩu giữ được mức tăng trưởng dương, tung thêm sản phẩm mới cho mùa Tết.
Hàng "xịn" xuống đường mời thử miễn phí
Những ngày cuối tháng 12 này, vào buổi sáng, người dân đi trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM) dễ bắt gặp quầy hàng và nhân viên mặc áo mang thương hiệu K.food mời dùng thử tinh chất nhân sâm và nhung hươu Hàn Quốc. Nhiều người được mời khá ngạc nhiên khi lần đầu được thử hương vị đặc sản dành cho giới nhà giàu, giá niêm yết lên đến gần 800.000 đồng/hộp 30 gói.
K.food có mặt tại Việt Nam đã 4 năm, là thương hiệu dùng để quảng bá thực phẩm từ huyện Uiseong, tỉnh Gyeongsangbuk - Hàn Quốc với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: nhân sâm, nhung hươu, rượu vang từ táo, tỏi đen, dầu mè, dầu tía tô… Đại diện K.food cho biết bên cạnh những mặt hàng từng có mặt trên thị trường, dịp này, một số sản phẩm mới sẽ được giới thiệu.
Một số sản phẩm Hàn Quốc lần đầu được đưa sang Việt Nam
"Lô nhân sâm và nhung hươu được giới thiệu lần này đến từ một nhà sản xuất có sản phẩm bán chạy tại Việt Nam, đặc biệt là mùa Tết do phù hợp làm quà biếu. Do đó, K.food tiếp tục mang thêm những dòng sản phẩm khác của nhà sản xuất này sang Việt Nam để người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Trước đây, chúng tôi có cửa hàng trưng bày sản phẩm, chủ yếu giới thiệu cho khách sỉ thì nay sẽ đón thêm khách hàng lẻ" - đại diện K.food thông tin.
Những sản phẩm trên đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ, Singapore. So với những thị trường này, sức mua tại Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, thương hiệu đến từ Hàn Quốc này tin tưởng thị trường Việt Nam sẽ còn phát triển trong tương lai nên đang tập trung quảng bá thương hiệu nhiều hơn.
Mới đây, ông Sanghong An, Trưởng Văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongsangbuk tại TP HCM, nói với phóng viên rằng ông rất ngạc nhiên khi nho mẫu đơn Hàn Quốc sang Việt Nam có giá 1,8 triệu đồng/chùm (800-900 g) vẫn bán chạy. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tin tưởng vào sức mua của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam, nước ta là thị trường lớn thứ 7 của sản phẩm nông nghiệp Mỹ xuất khẩu với mức tăng trưởng trong năm 2021 ước đạt 5%-10%. "Mỹ có nhiều sản phẩm bán trực tiếp đến người tiêu dùng như: bơ, sữa, phô-mai, thịt bò, heo, gà, táo, cam, cherry, nho, việt quất. Thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội cho sản phẩm Mỹ, nhất là khi nền kinh tế đang phục hồi, khách du lịch quay lại, kênh dịch vụ ăn uống cũng trở lại hoạt động" - đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam nhận định.
Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc (Austrade) tại Việt Nam thì cho hay nước ta là thị trường top 5 trên toàn thế giới đối với mặt hàng hải sản Úc xuất khẩu. 10 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu hải sản Úc sang Việt Nam vẫn đạt hơn 62 triệu AUD, tăng 45,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Austrade đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu hải sản sang Việt Nam và nhờ vậy, mạng lưới đối tác nhập khẩu tại nước ta phát triển mạnh trong năm qua.
Chạy đua mùa Tết
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Tuấn, điều phối viên tổ chức UBC (Mỹ, đại diện một số ngành hàng xuất khẩu sang Việt Nam như táo, nho, bơ, sữa), do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất nhập khẩu đều khó khăn nhưng các DN đều cố gắng duy trì hoạt động để giữ thị trường.
"Các DN cho biết Tết này sẽ không đưa sản phẩm mới sang mà tập trung vào các mặt hàng đã có khách hàng sẵn. Tuyến bay thẳng Mỹ - Việt Nam vừa mới mở được các DN tận dụng để đưa hàng hóa nhanh về phục vụ Tết. Đơn cử là mặt hàng táo, vận chuyển đường biển bằng container mát đang bị ách tắc, kéo dài thời gian nên một số nhà nhập khẩu sẽ chuyển sang đường hàng không" - ông Tuấn thông tin.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết nhờ các hiệp định thương mại tự do nên thuế nhập khẩu hải sản từ các nước như Úc, Canada, Hàn Quốc còn 0%, giúp hàng hóa sang Việt Nam với giá rẻ hơn trước.
Ông Trường dự báo: "Cuối năm, nhu cầu tiệc tùng, tặng quà tăng cao nên sức mua nhiều loại hải sản cao cấp như tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư, cá bơn… tăng mạnh. Với phân khúc khách hàng nhà giàu, họ không bị ảnh hưởng nhiều về thu nhập nên sức mua vẫn tốt. Tết năm nay, nhóm khách hàng này vẫn chưa thể đi du lịch nước ngoài, nhiều người ngại ra ngoài ăn nên sẽ mua hải sản chế biến sẵn về dùng. Chúng tôi dự trù sức mua hải sản sẽ tăng 200%-300% nên đang chuẩn bị lượng hàng tương ứng".
Trong khi đó, ông Phạm Thiện Hoàng, giám đốc một DN quy mô nhỏ chuyên về thực phẩm nhập khẩu, phản ánh năm nay sức mua quá ảm đạm. Noel các năm trước, nhiều gia đình có thể chi tiền triệu để mua trái cây nhưng nay giảm xuống còn vài trăm ngàn đồng.
"Chúng tôi kỳ vọng vào các loại hạt nhập khẩu như óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, mắc-ca, điều vì nhu cầu sử dụng tăng để thay cho các loại bánh kẹo nhiều đường vào mùa Tết. Do chi phí vận chuyển tăng nên giá các loại hạt năm nay tăng khoảng 10%-15% so với Tết năm ngoái, ở mức 300.000 đồng - 700.000 đồng/kg, tùy loại" - ông Hoàng nói.
Đưa hàng Việt vào phân khúc cao cấp
Thực tế, nhiều đơn vị có thế mạnh về hàng nhập khẩu cao cấp vẫn phân phối hàng Việt tuyển chọn do có cùng phân khúc khách hàng. Ông Trần Văn Trường cho biết hệ thống Hải sản Hoàng Gia tiêu thụ mạnh ghẹ, tôm hùm bông, tôm hùm xanh, cá tầm, tôm tít... trong nước và đang có kế hoạch hợp tác với một số vùng nuôi để nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra. Các đầu mối kinh doanh hạt nhập khẩu cũng thường bán hạt điều và mắc-ca Việt Nam nhờ chất lượng và giá cả đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Mới đây, Công ty CP Nắng và Gió (Ninh Thuận) đã ra mắt nhiều loại trái cây như nho, ổi, táo, dưa lưới chăm sóc theo chuẩn quốc tế GlobalGAP với chất lượng thượng hạng, kỳ vọng thay thế một phần trái cây ngoại khi có sản lượng đủ lớn để phủ vào các siêu thị.
Bình luận (0)