Dù Nghị định 77/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT quy định bắt buộc nhà sản xuất thuốc lá phải in hình cảnh báo tối thiểu 50% diện tích mặt trước và mặt sau của bao thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng đến nay, thuốc lá không in hình cảnh báo sức khỏe vẫn tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tràn lan thuốc lá không hình cảnh báo
Cô Sinh - chủ một tạp hóa ở chợ An Biên, tỉnh Kiên Giang - cho biết do một số nhãn hiệu phổ biến tại đây hiện đều in hình cảnh báo quá xấu nên người dùng tìm mua loại không hình và các nhãn hiệu như Yett hay Sleigh (còn gọi là Ngựa kéo xe) tuy mới xuất hiện trong khu vực nhưng có lợi thế vừa không hình vừa có giá rẻ.
Theo chị T., một tiểu thương ở đây, đa phần các tạp hóa ở đây thường không rõ các quy định ở Thông tư 05 hay Nghị định 77 gì hết, khi được các đại lý phân phối thì họ bán thôi. “Những loại thuốc này vốn không phải là sự lựa chọn hàng đầu của dân hút thuốc khu vực này nhưng do giá khá mềm, thêm vào đó không có những hình ảnh “ghê rợn” trên bao bì nên được nhiều người mua” - chị T. nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các điểm bán và các loại thuốc không hình chủ yếu là Yett và Sleigh cũng như các loại thuốc lá nhập lậu như Jet, Hero, Golden Deer… Thử tìm mua các loại trên có hình theo đúng quy định thì hầu như đều không có hàng (!).
Tình trạng bày bán công khai những loại thuốc không in hình cảnh báo cũng xuất hiện ở Tiền Giang. Tiêu biểu là chợ Mỹ Tho, Trung tâm Thương mại Cái Bè có nhiều tiệm tạp hóa bán thuốc không in hình cảnh báo.
Cần xử phạt nghiêm
Mặc dù các tiệm tạp hóa bán thuốc không bị ảnh hưởng nhiều khi họ chỉ cung cấp theo nhu cầu của người mua nhưng các doanh nghiệp in hình cảnh báo trên bao bì theo đúng quy định của pháp luật sẽ chịu không ít thiệt thòi khi người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn những sản phẩm thuốc lá không có hình kinh dị, bất chấp giá có cao hơn đi chăng nữa.
Theo các chủ tạp hóa ở Kiên Giang, đa phần các loại thuốc Yett, Sleigh không in hình đều được phân phối từ đại lý K.H (TP Rạch Giá). Ở Tiền Giang, nhiều cửa hàng cho biết lấy thuốc từ đại lý H.S (TP Mỹ Tho).
Đáng lẽ ra, từ khi Thông tư 05 và Nghị định 77 có hiệu lực thì số lượng những loại thuốc không in hình cảnh báo phải giảm dần và biến mất khỏi thị trường thì ngược lại, sau hơn 1 năm, một số nhãn hiệu không in hình xuất hiện nhiều hơn tại miền Tây là điều bất thường.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, biện pháp bắt buộc in cảnh báo về sức khỏe trên bao bì thuốc lá là một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế việc sử dụng thuốc lá.
“Quy định pháp luật điều chỉnh việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã quá rõ ràng nhưng thực tế, số lượng thuốc lá không in cảnh báo sức khỏe còn khá nhiều trên thị trường. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thuốc lá đang có vấn đề, kém hiệu quả. Các lực lượng có liên quan bao gồm thanh tra sở y tế, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải quan cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm bảo đảm tính thực thi của pháp luật” - luật sư Hậu cho biết.
Điều 25 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với in cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc theo quy định của pháp luật; sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người... Trường hợp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá vào Việt Nam nhưng không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính.
Bình luận (0)