Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cảnh báo nguy cơ "phân chia địa bàn"
Quy định thương nhân phải sở hữu ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, có ít nhất một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy chuẩn ban hành, phải nằm trên địa bàn các tỉnh, TP có lúa gạo hàng hóa xuất khẩu... tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp.
Bên trong một nhà máy đóng gói gạo xuất khẩu Ảnh: NGỌC ÁNH
Các điều kiện trên đã trở thành rào cản đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tham gia thị trường. Thực tế, một số DN sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo cao cấp với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát hạn chế (như DN tư nhân Cỏ May - Đồng Tháp, Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú - Cà Mau) nên không đáp ứng được điều kiện trên.
Ngoài ra, quy định khống chế địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát cũng chưa rõ ràng; tạo rào cản không bình đẳng giữa các địa phương, thương nhân trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của DN.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý việc các DN tồn tại ổn định trên thị trường làm tăng nguy cơ thỏa thuận ngầm "phân chia địa bàn" thu mua lúa gạo. Vì vậy, VCCI đề nghị hạ điều kiện gia nhập thị trường để giúp nông dân có thêm lựa chọn khi bán lúa gạo cho DN, nâng cao vị thế của nông dân trong đàm phán giá bán, tránh bị ép giá. VCCI cũng đề nghị bỏ quy định yêu cầu DN xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực.
Thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo
Trong tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Công Thương cho hay dự thảo đã điều chỉnh điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng giảm yêu cầu quy mô tích lượng kho chứa, không quy định quy mô công suất cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo, không bắt buộc thương nhân đầu tư dây chuyền xay lúa (bóc vỏ trấu).
Ngoài ra, giảm quy định cơ chế xuất khẩu một số mặt hàng gạo không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh; thủ tục cấp giấy chứng nhận được đơn giản hóa tối đa, bỏ quy định kiểm tra thực tế kho chứa, cơ sở xay xát của Sở Công Thương, thương nhân tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, Sở Công Thương chỉ tổ chức hậu kiểm sau khi đã cấp giấy chứng nhận.
Với hướng quy định này, Bộ Công Thương đánh giá nhiều DN mới sẽ có cơ hội tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. "Ước tính, số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60% - 70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng những điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp giấy chứng nhận" - tờ trình của Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm một nửa lượng gạo dự trữ lưu thông, bỏ quy định phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu, giảm lượng gạo dự trữ lưu thông bắt buộc từ 10% xuống còn 5% sẽ giúp giảm đáng kể áp lực tồn đọng vốn và chi phí lưu kho, bảo quản của thương nhân.
Bình luận (0)