xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm chính sách phục hồi kinh tế

THÁI PHƯƠNG

Lựa chọn chính sách thích hợp cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh

Đây cũng là chủ đề được các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) thảo luận tại hội thảo "Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19" do Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng và Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) tổ chức ngày 20-5.

Bơm tiền thực cho DN

Để ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa như đưa ra gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỉ đồng (tương đương 3% GDP, 11,7% thu ngân sách…); gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội… Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam hiện tương đương 4,3% GDP - xấp xỉ với các nền kinh tế mới nổi khác, cũng như so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Báo cáo nghiên cứu chủ đề lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19 của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng chỉ ra rằng các gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động giới hạn đối với DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Bởi các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN, chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào cho DN.

Tìm chính sách phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Sẽ có những DN phải ngưng hoạt động và có thể giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Do đó, chính sách tạo dòng tiền vào cho DN quan trọng và sẽ mang lại hiệu quả hơn. Phải bơm tiền thực cho DN mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động" - TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, phân tích.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP HCM, kể lại câu chuyện tiếc nuối của các DN trong ngành khi để vuột mất cơ hội trong dịch Covid-19. Do 85% nguyên phụ liệu đầu vào của ngành nhựa phải nhập khẩu nên ngay khi có dịch, chuỗi cung ứng của các DN trong ngành đã bị ảnh hưởng. Nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc hay nhập khẩu hạt nhựa từ châu Phi bị gián đoạn; xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật…

Trước khi dịch bùng phát, các DN lớn trong ngành đã mở thư tín dụng (L/C), vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua nguyên liệu cho nhà nhập khẩu, hàng ra đến cảng chưa kịp vận chuyển về thì có dịch khiến chuỗi cung ứng đứt đoạn. Lúc này, DN cần nhất là dòng tiền để tiếp tục duy trì hoạt động.

"Đổi lại, cơ hội là do ảnh hưởng của dịch, giá nguyên liệu nhựa đã rơi xuống đáy từ 1.300 USD/tấn xuống còn 700 USD/tấn nên DN rất cần được ngân hàng tiếp tục cho vay để tích trữ nguyên liệu. Chúng tôi muốn mua nguyên liệu đủ cho đến năm 2021. Hay toàn bộ khẩu trang y tế, găng tay… cũng được sản xuất từ nguyên liệu nhựa, cơ hội rất tốt cho DN. Một đơn hàng găng tay, khẩu trang từ 1-2 tỉ cái, DN vừa và nhỏ rất cần tiền để mua nguyên liệu về sản xuất, nhập dây chuyền ở các nước về với giá rẻ hơn bình thường. Nhưng vì thiếu vốn nên cả 2 cơ hội trên đều vuột mất" - ông Trần Việt Anh tiếc nuối.

Để hỗ trợ, giúp DN ứng phó dịch Covid-19, các DN ngành nhựa kiến nghị nhà nước có chính sách giãn thuế GTGT cho các DN xuất nhập khẩu lớn để có dòng tiền duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất; cho phép DN xuất khẩu vay USD với hạn mức nhiều hơn để linh hoạt thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị các chính sách của nhà nước cần tạo điều kiện để DN tiếp cận khoản vay mới. Nếu không, DN sẽ khó có thể phục hồi trong điều kiện thị trường đang khó khăn như hiện nay.

"Làm sao để lãi vay xuống thấp và DN phải trả lãi ít hơn so với hiện tại, bởi trong khó khăn 1 đồng với DN cũng rất quan trọng. Và trong khi chờ lãi vay giảm theo độ trễ của chính sách, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu xem xét lùi thời gian áp dụng quy định về giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để DN tiếp cận được vốn vay trung dài hạn trong thời điểm khó khăn này" - ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, đề xuất.

Tập trung hỗ trợ DN phục hồi nhanh

Các chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng cho rằng việc lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế cần đặt trong tầm nhìn trung hạn với các giải pháp phi truyền thống, thậm chí khác biệt với chính sách đã từng được áp dụng, vì bản chất tác động do Covid-19 khác với những khủng hoảng trong quá khứ.

Theo các chuyên gia, cần cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát của năm 2020 để giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất, phải bảo đảm tác động làm hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay, kể cả lãi suất của các món nợ cũ. Thời gian tới, các ngân hàng thương mại nên ưu tiên tái cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn.

"Triển vọng kinh doanh của DN và tốc độ giải ngân thời gian qua cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9%-14% đã đặt ra cho năm nay có thể khó đạt được. Ngành ngân hàng xác định ngành ưu tiên hỗ trợ như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thủy sản, nông nghiệp… dựa trên ít nhất 2 yếu tố là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định đầu ra của sản phẩm. Bởi những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành, không nên dàn trải, thiếu tập trung" - TS Trần Hùng Sơn lập luận.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định lựa chọn chính sách nào để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay là bài toán không dễ, bởi đại dịch Covid-19 đã tác động trên quy mô toàn cầu, trong nước phải giãn cách xã hội, sản xuất đình đốn. Tính đến cuối tháng 4-2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 1,2% nhưng riêng khu vực DN vừa và nhỏ lại giảm 0,8% cho thấy bức tranh khó khăn, các DN chưa biết vay tiền để làm gì, mở rộng sản xuất kinh doanh không dễ.

Vậy lựa chọn chính sách nào khi dịch chưa hết và thậm chí phải đưa ra cả phương án hồi phục nếu dịch có thể quay trở lại? Lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước với chính sách ứng phó cũng phải đặt trong bối cảnh này.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ là tiếp tục linh hoạt trong điều hành, khi nền kinh tế cần vốn, mở rộng vốn để đầu tư ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ thanh khoản; linh hoạt để giảm lãi suất và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tăng thêm vốn ra nền kinh tế qua việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, chỉ đạo giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế; ổn định lãi suất và tỉ giá để ổn định giá trị VNĐ... 

3 mục tiêu

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: "Lựa chọn phục hồi kinh tế sau dịch có 3 điểm cần lưu ý là làm sao để nền kinh tế thiệt hại ít nhất; phục hồi lại với tốc độ tăng trưởng ở mức tích cực và phải phát triển nhanh, bền vững trong tương lai".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo