Doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải tìm đầu ra cho khẩu trang vải bởi thị trường trong nước đã quá tải trong khi xuất khẩu các mặt hàng may mặc khác cũng khó đầu ra.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải
Hơn 1 tháng nay, không chỉ các DN may mặc trực thuộc nhà nước quản lý mà rất nhiều DN lớn nhỏ trong ngành dệt may đổ xô sản xuất khẩu trang vải. Khẩu trang vải (bao gồm cả khẩu trang vải thông thường để chống bụi, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vừa kháng khuẩn vừa kháng nước, kháng giọt bắn) trở thành cứu cánh để các DN đắp đổi tình trạng thiếu hụt đơn hàng ngày càng trầm trọng do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật… lần lượt ngừng nhập hàng vì dịch bệnh. Thị trường trong nước cũng gần như tê liệt.
Công ty TNHH Việt Thắng Jean từ đầu tháng 4 đã phải cho công nhân luân phiên 1 ngày làm/1 ngày nghỉ và chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất 500.000 chiếc/ngày để giữ chân lao động trong lúc trống đơn hàng. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, kỳ vọng đầu ra khẩu trang vải tốt thì sẽ tổ chức cho công nhân đi làm toàn thời gian trở lại. Nhiều DN may mặc khác cũng chung tình cảnh với Việt Thắng Jean; một số DN chuyên nhập khẩu, phân phối vải như Trung Quy cũng nhảy vào sản xuất khẩu trang vải.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng cộng mỗi tháng ngành dệt may có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu khẩu trang vải và nguồn nguyên liệu để sản xuất đang rất dồi dào. Còn theo tính toán của Bộ Y tế, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Chênh lệch quá lớn giữa năng lực sản xuất và tiêu thụ đã đẩy các DN sản xuất khẩu trang vải đến nguy cơ tồn kho cao, sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtek), cho biết các DN trong hội đang lo sắp tới phải "giải cứu" khẩu trang vải. "Nhiều DN đang rất lo vì nguồn hàng dôi dư quá nhiều. Đã có 2 DN hội viên Agtek gặp khó vì sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng nhưng bên mua không nhận hoặc đề nghị giãn tiến độ giao hàng vì tiêu thụ quá chậm" - ông Hồng cho hay.
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang tìm hướng xuất khẩu khẩu trang vải
Mặt hàng còn quá mới
Chủ tịch Agtek cho rằng làm khẩu trang vải là giải pháp tình thế và là "phao cứu hộ" cho DN. Gần đây, một số DN râm ran làm khẩu trang vải xuất khẩu, một số nhà mua hàng nước ngoài cũng đề nghị DN chào hàng nhưng không mấy khả thi bởi còn vướng nhiều vấn đề về tiêu chuẩn y tế, nguyên liệu, quy cách sản phẩm… Bản thân bên mua hàng cũng lúng túng và thứ họ cần thật sự là khẩu trang y tế chứ không phải khẩu trang vải" - ông Hồng nêu thực tế.
Khẳng định chưa có DN may mặc nào ở khu vực phía Nam xuất khẩu khẩu trang vải số lượng lớn, một số DN xuất chào hàng vài chục ngàn chiếc hoặc xuất bán nhỏ lẻ để phục vụ cộng đồng người Việt tại thị trường Mỹ, châu Âu…, Chủ tịch HĐQT một công ty may mặc lớn ước tính đến 80%-90% DN dệt may đang rất khó khăn. "Sáng nay sứ quán Nhật gửi văn bản đề nghị các DN chào khẩu trang, chúng tôi cũng gửi chào mẫu, nếu đạt yêu cầu sẽ tiến hành sản xuất. Đây có thể xem như là một lối ra lúc này" - vị chủ tịch này nói.
Theo ông, tình hình đã rất khó khăn, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6 thì hàng trăm ngàn công nhân ngành may mặc Việt Nam sẽ mất việc. "Chúng tôi có 5.000 công nhân, mỗi công nhân có thể may 300 khẩu trang/ngày nên năng lực sản xuất là rất lớn nhưng lấy đâu ra đơn hàng trong lúc này? Mỹ, Pháp, Nhật đúng là rất thiếu khẩu trang. Nhiều đối tác muốn hợp tác, đưa nguyên liệu cho DN Việt may rồi xuất ngược lại họ nhưng là may khẩu trang y tế chứ không phải khẩu trang vải kháng khuẩn" - vị chủ tịch HĐQT nêu.
Việt Thắng Jean đã xuất mẫu khẩu trang vải sang Mỹ, Hà Lan, Đức…, trong tuần sau sẽ xuất 500.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ. "Đang lúc cấp bách, một số đối tác nước ngoài đặt vấn đề nhập khẩu trang vải, tuy nhiên yêu cầu của họ khá cao" - ông Phạm Văn Việt cho hay. Theo ông Việt, khẩu trang vải xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước về độ kháng khuẩn, không ảnh hưởng đến da cùng một số tiêu chuẩn khác liên quan đến sức khỏe, an toàn cho người sử dụng. "Mặt hàng này còn quá mới, các nước chưa có tiêu chuẩn cụ thể nhưng nếu cần, họ sẽ xây dựng tiêu chuẩn rất nhanh" - ông Việt cho biết.
Tổng Công ty May 10 cũng hy vọng việc sản xuất khẩu trang sẽ bù đắp phần nào khoảng thiếu hụt đơn hàng đến 30% trong tháng 4 này. Đã có đối tác Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải của May 10 trong 6 tuần, 1 đối tác Đức thì đặt mua 2 triệu khẩu trang vải. Công ty cũng đã quyết định nhập máy sản xuất khẩu trang y tế về để triển khai sản xuất. "Một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến giao hàng từ tháng 7 với trị giá 52 triệu USD, tương đương 30% doanh thu của May 10 trong năm 2020" - ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, cho hay.
Tuy nhiên, với quy định hiện tại chỉ cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nước) trong khi năng lực sản xuất khẩu trang y tế trong nước hiện rất hạn chế, May 10 và những DN muốn xuất khẩu khẩu trang y tế sẽ rất khó.
Nhiều thị trường chào mua trang thiết bị bảo hộ y tế
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, vụ đã tổng hợp thông tin chi tiết về nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế của nước này. Cụ thể, thị trường Mỹ có nhu cầu 500 triệu chiếc khẩu trang N95, 200 triệu chiếc khẩu trang các loại khác, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ đôi găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế và 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch.
Thị trường Tây Ban Nha có nhu cầu 123 triệu găng tay nitrile có bột hoặc không bột dùng trong khám bệnh, mắt kính bảo hộ, hàng triệu bộ quần áo bảo hộ dùng 1 lần, khẩu trang y tế... đạt quy chuẩn châu Âu. Thị trường Kazackhstan cũng chào mua 30.000 khẩu trang y tế 3 lớp, 300.000 bộ test Covid-19, 200 máy thở... và hàng loạt các thiết bị khác.
Trong khi đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) ngày 10-4 cho biết cục đã tổng hợp danh sách gần 100 DN Việt Nam có năng lực cung cấp, xuất khẩu khẩu trang và vật tư phòng dịch Covid-19. Danh sách này đã được gửi các tham tán thương mại để hỗ trợ DN Việt tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đồng thời thuận lợi cho việc liên hệ cho mục đích cho, tặng nhân đạo.
T.Dương
Bình luận (0)