xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cách nào?: Tìm nhân tố đột phá

PHƯƠNG NHUNG

Việt Nam là "câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong đại dịch" - theo đánh giá của tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản). Song, để duy trì phong độ, cần có tư duy đột phá về đổi mới sáng tạo

Khái niệm kinh tế số (KTS) lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII thay cho khái niệm kinh tế tri thức được nhắc đến tại các văn kiện Đại hội XI, XII. Bước chuyển đổi từ kinh tế tri thức đến KTS thể hiện nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, cũng là yêu cầu bắt buộc để dẫn dắt kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Nguồn lực tăng trưởng mới

GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, KTS ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế mỗi quốc gia, đặc biệt ở giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Dẫn báo cáo "Tương lai nền KTS Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045" của Tổ chức Data61 (Úc), GS Trần Thọ Đạt cho biết GDP Việt Nam có thể tăng thêm hằng năm từ 0,38% đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số (CĐS). "Hiện tại, tác động của KTS đến năng suất lao động tổng thể và năng suất theo ngành còn hạn chế do KTS mới trong giai đoạn triển khai ban đầu. Tuy nhiên, thời gian tới, với việc đẩy mạnh thực hiện chiến lược CĐS quốc gia, tiềm năng tác động của KTS đến năng suất lao động sẽ rất lớn" - GS Trần Thọ Đạt nhìn nhận.

Thực tế, ở nhiều doanh nghiệp (DN), CĐS bắt đầu đậm nét không chỉ ở hoạt động quản trị mà còn ở các công đoạn sản xuất cốt lõi.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cách nào?: Tìm nhân tố đột phá - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may nỗ lực ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ứng dụng CĐS mạnh mẽ nhất ở quy trình phân tích tự động và thử nghiệm cơ lý của sản phẩm với mức đầu tư trên 100 tỉ đồng. Ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết qua hệ thống đường ống chuyển mẫu bằng khí nén hiện đại, chỉ mất 30-70 giây, mẫu đã được chuyển về khu phân tích tự động. Sau đó, robot ABB nhận mẫu, xử lý mẫu, chuyển sang thiết bị phân tích và tự động chuyển kết quả về nơi gửi mẫu ban đầu thông qua hệ thống lập trình tự động. Thời gian tối đa để hệ thống trả kết quả đối với mẫu thép là 2,5 phút, gang là 5 phút và xỉ là 7-10 phút.

Với định hướng làm công nghiệp công nghệ cao, Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) "kết duyên" với Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bằng một bản hợp tác chiến lược toàn diện trị giá 1 tỉ USD để tái cấu trúc 2 công ty con của HAGL là Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico) và HAGL Myanmar. Ba giải pháp đồng bộ của THACO đều dựa trên nền tảng số hóa gồm: ứng dụng công nghệ cao, quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở vốn hóa và cơ giới hóa mọi khâu trong chuỗi giá trị, ứng dụng mô hình quản trị giao khoán nội bộ. "Tôi và "bầu" Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL) đều hướng đến mục tiêu chung của đất nước là làm sao có được DN sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn trong khu vực, là hình mẫu tiên phong nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam" - Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương nói sau khi chính thức tiếp quản HAGL Agrico tại đại hội cổ đông bất thường vào đầu tháng 1 vừa qua.

"Vượt trần thủy tinh"

KTS trở thành một phần tất yếu của đời sống ở quốc gia có 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội như Việt Nam, theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và KTS - Bộ Công Thương. Từ mua hàng, gọi món, gọi xe đến đặt vé máy bay, phòng khách sạn… đều dễ dàng thực hiện trên hệ thống online và thanh toán qua thẻ. Chưa kể, hàng loạt ứng dụng công nghệ ra đời phục vụ nhu cầu hội họp, đào tạo trực tuyến… trong mùa dịch Covid-19.

Trước xu hướng tất yếu, GS Trần Thọ Đạt cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với khuôn khổ pháp lý toàn cầu để phát triển KTS, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh kiểu mới. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ mới; ưu đãi thuế cho lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; khuyến khích DN đầu tư, kinh doanh công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đồng thời, gia tăng đầu tư nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho người dân và DN sử dụng tốt nhất tiện ích do KTS mang lại.

GS Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh sau suy giảm kinh tế năm 2009, dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng không còn. Giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tạo ra động lực mới là khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. "Có nhiều chiến lược để kích hoạt các động lực tăng trưởng đó. Lựa chọn thích hợp là đầu tư "vượt trần thủy tinh" (khái niệm chỉ rào cản vô hình phải vượt qua để đạt đến đỉnh cao) cho KHCN" - ông Trần Thọ Đạt nêu quan điểm.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng bày tỏ lo lắng khi mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam dựa trên mở rộng quy mô vốn, sử dụng nhân công giá rẻ… đã đạt tới đỉnh, tức là đã phát huy hết tác dụng và sẽ đi xuống. Nếu tiếp tục con đường này, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. "Không thoát khỏi bẫy chất lượng thể chế trung bình thì không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Cần tiếp tục dồn sức cho công cuộc cải cách thể chế theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua con đường CĐS để bứt phá lên quỹ đạo tăng trưởng cao, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, thể chế cho CĐS và KTS của Việt Nam hiện còn rất thiếu. Tư duy và cách tiếp cận để xây dựng một thể chế phục vụ cho CĐS hiện cũng còn cách rất xa so với yêu cầu. Do vậy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy, cách tiếp cận cho phù hợp với giai đoạn này để hoàn thiện thể chế. "Quốc gia nào có cải cách thể chế bao trùm thì quốc gia đó bứt phá lên để phát triển, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Với Việt Nam, nội hàm của cải cách thể chế là phải thúc đẩy mô hình kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế" - ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ. 

Dịch Covid-19 là chất xúc tác

TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn nhận dịch Covid-19 dù tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng lại là cơ hội lớn đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với CĐS. "Chúng ta mong muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu từ rất lâu nhưng động lực tăng trưởng dường như chưa đủ. Dịch Covid-19 là cơ hội rất lớn để thị trường tự điều chỉnh, KTS được đẩy mạnh hơn từ trong đại dịch, giúp rút ngắn được thời gian, công sức. Nếu tận dụng được cơ hội này để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành, lĩnh vực phù hợp xu hướng KTS, có thể thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang một giai đoạn mới" - TS Đặng Đức Anh phân tích.

Vai trò của nguồn lực nhà nước

DN nhà nước cũng không có con đường nào khác ngoài ứng dụng số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng là "đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng KHCN". "Chuyển đổi số" cũng là chủ đề được tập đoàn này lựa chọn cho năm 2021 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng KHCN, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp. Còn Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, trước áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại giàu tiềm lực, cũng khởi động dự án "Triển khai giải pháp quản trị tổng thể SAP ERP" ứng dụng vào nhiều nghiệp vụ đặc thù như tính giá thành, quản lý bán hàng và đơn hàng, quản lý két, chai, vỏ...

Theo TS Vũ Tiến Lộc, dự thảo đề án phát triển DN nhà nước quy mô lớn nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến cho thấy khối này vẫn có vị trí rất quan trọng. Trong khi đó, sau nhiều năm được hỗ trợ, ưu đãi để phát triển, DN nhà nước đang sở hữu nguồn lực khổng lồ. "Việc cần làm là hướng dẫn, yêu cầu khu vực này nắm bắt nhanh xu hướng đổi mới sáng tạo và ứng dụng số hóa để nâng cao hiệu quả. Khi làm được, sẽ giúp bùng nổ một nguồn lực cực mạnh để góp sức vào tăng trưởng chung của quốc gia" - ông Lộc nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo