Tại cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia, đồng thời đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal, cũng như sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.
Thị trường tiềm năng
Hiện, hơn 60% dân số Malaysia theo Hồi giáo. Trong Hồi giáo, Halal dùng để chỉ sản phẩm được phép dùng hoặc hành động được làm trong khuôn khổ tôn giáo. Trong khi thực phẩm Halal nghiêm cấm các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo hay các loài động vật ăn thịt. Các tiêu chuẩn cho chứng nhận Halal không chỉ liên quan đến nguyên liệu của sản phẩm mà còn bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển. Một số sản phẩm thực phẩm Halal được biết đến phổ biến như sữa bò, sữa cừu, sữa dê, mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô, lúa mì, gạo, yến mạch, đậu phộng, hạt điều…
Một thống kê cho thấy quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỉ USD trước năm 2028.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào thị trường Halal thời gian qua mới chỉ bước đầu khai phá. Mỗi năm, cả nước chỉ có khoảng 50 DN được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu như: hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Để khai phá thị trường tiềm năng này, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Với đề án này, Chính phủ đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp và toàn diện. Qua đó, giúp DN tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu, đặc biệt là một số thị trường quan trọng như Indonesia, Malaysia, Ả Rập Saudi…
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP HCM, cho hay Việt Nam có ít hơn 0,1% dân số theo đạo Hồi, nhân lực được đào tạo về chứng nhận Halal rất hạn chế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam không có cơ hội tại thị trường Halal. Bởi, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và là một địa chỉ đáng tin cậy trong sản xuất lương thực.
Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các nhà xuất khẩu thực phẩm Halal đến từ những quốc gia không theo đạo Hồi. "Chẳng hạn như Úc, nơi có ít dân số theo đạo Hồi nhưng họ đã xuất khẩu thịt Halal trị giá hơn 2,36 tỉ USD vào năm 2021. Điều này cho thấy rằng các nước xuất khẩu thực phẩm nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp Halal vì thị trường này đóng góp đáng kể vào doanh thu xuất khẩu" - bà Wong Chia Chiann dẫn chứng.
Một doanh nghiệp thủy sản đạt chứng nhận Halal. Ảnh: AN NA
Nhưng rất khắt khe
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết để khai thác được thị trường Halal, FFA vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM, cộng đồng người hồi giáo tại TP HCM tổ chức hội thảo phổ biến quy định thị trường Halal để các DN lương thực, thực phẩm nắm bắt.
Sắp tới, FFA sẽ tiếp tục các chương trình nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp các DN Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng trên phạm vi toàn cầu. "Từ đó, DN sẽ có sự đầu tư phù hợp để khai thác được thị trường ngách rất tiềm năng này. Giữa bối cảnh xuất khẩu chung sụt giảm, nếu khai thác tốt được thị trường Halal sẽ bù đắp phần thiếu hụt" - Chủ tịch FFA nhận định.
Theo các chuyên gia, để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các DN phải có chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Đại diện Công ty Liên doanh bột quốc tế (Intermix), đã xuất khẩu sản phẩm sang Indonesia, Malaysia, cho biết thị trường này đang tăng trưởng tốt. "Kinh nghiệm của chúng tôi là phải tuân thủ quy định về Halal và thực hiện đánh giá chứng nhận bởi một tổ chức có uy tín" - đại diện Intermix chia sẻ và chỉ ra một vấn đề là Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal mà chỉ có một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal.
Bà Wong Chia Chiann cũng dẫn chứng về sự "khắt khe" để được chứng nhận là thực phẩm Halal. Theo bà, thực phẩm Halal không chỉ không có thịt heo hoặc không có cồn mà nguồn thịt hoặc gia cầm cũng phải từ động vật được cho phép tiêu thụ (gà, gia súc, cừu) và phải được giết mổ theo quy tắc Hồi giáo để biến chúng thành Halal.
"DN Việt Nam muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo, ví dụ gạo được phép, còn thịt heo thì không được phép. Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại" - bà Wong Chia Chiann nêu rõ.
Nhấn mạnh DN Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu cho thực phẩm chế biến sang Malaysia vì chỉ cần sản phẩm có chứng chỉ Halal là sẽ tiếp cận người dân Malaysia nhưng ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cho rằng đây cũng là thách thức với DN xuất khẩu của Việt Nam bởi quy trình để có chứng nhận Halal khá phức tạp và tốn kém, chưa kể cạnh tranh với hàng hóa các nước khác cùng xuất vào thị trường này. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam trong xúc tiến thương mại và tìm hiểu thị trường để đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu hàng hóa.
Thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các bộ, ngành đang tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đẩy nhanh nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Cùng với đó, làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bình luận (0)