Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; Cục Hàng không Việt Nam; lãnh đạo các địa phương; Sở Du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không…
Tiêu điểm sự kiện
13:19 ngày 14/10/2021
Ông LÊ HỒNG THÁI, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist:
Doanh nghiệp đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm cho khách nội địa với khẩu hiệu " Hanoitourist – du lịch bình thường mới" bao gồm homestay an toàn, khách sạn an toàn, du lịch Mice an toàn, du lịch caravan an toàn và du lịch mùa thu an toàn.
Sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, Hanoitourist đã chủ động đề xuất với các cơ quản quản lý tại 1 số điểm đến là vùng xanh và đề xuất tổ chức tour an toàn kèm theo các phương án tổ chức và chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1, du lịch nội vùng: Đề xuất thí điểm tour caravan Đường Lâm với Sở Du lịch và UBND TP Hà Nội.
Giai đoạn 2: Du lịch vùng xanh với vùng xanh. Cụ thể đề xuất với UBND tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ninh tổ chức thí điểm loại hình tour caravan không chạm như: Sử dụng xe tự lái do các cá nhân, trong qua trình di chuyển dùng bộ đàm để hướng dẫn cho khách, cơ sở lưu trú chỉ chọn 1 điểm, khách check in theo nhóm có cùng yếu tố dịch tễ, nhà hàng sử dụng ăn theo giờ và theo nhóm và quan trọng là bảo đảm các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đều gặp phải do quy định mỗi địa phương khác nhau và còn e dè trong việc đề xuất thí điểm tổ chức tour an toàn do khách hàng chủ yếu ở Hà Nội được coi là vùng đỏ.
Giai đoạn 3: Các hoạt động du lịch hoạt động trạng thái thích ứng an toàn.
Ngày 11-10, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 về việc thích ứng trong giai đoạn bình thường mới, trong toạ đàm hôm này, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương điểm đến nên sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục các hoạt động du lịch trở lại tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi tỉnh lại có các quy định khác nhau để các doanh nghiệp chủ động trong việc chào bán các sản phẩm cho khách hàng.
Đối với các hãng hàng không, cần xem xét về kế hoạch bay giữa các tỉnh thành phố, giá vé phù hợp theo từng nhóm nhỏ linh hoạt và với khách dưới 18 tuổi.
11:55 ngày 14/10/2021
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Trong 2 năm qua, có thể nói là 2 năm căng thẳng và gây rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt là ngành du lịch.
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, đại dịch Covid-19, đặc biệt trong 4 tháng qua, đã gây thiệt hại cho ngành du lịch trong nước và trên thế giới. Các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều thiệt hại do đại dịch lan rộng và diễn biến phức tạp.
Như Báo Người Lao Động thông tin, thiệt hại của ngành du lịch đã “chạm đáy” và chúng ta phải nỗ lực phục hồi. Với sự chỉ đạo của Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động đã mạnh dạn tổ chức tọa đàm với sự tham dự đông đủ của các bộ, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Đây là tín hiệu tốt cho thấy chúng ta đều quan tâm, lo lắng, trăn trở với mục tiêu làm sao khôi phục ngành du lịch. Chúng tôi xin cảm ơn lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Bộ GTVT, các địa phương, DN đã cùng tham gia.
Đối với ngành du lịch, việc mở cửa tới đâu, như thế nào phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch và độ phủ vắc-xin. Với sự nỗ lực ngoại giao của Chính phủ, tính đến nay, chúng ta có khoảng 88 triệu liều vắc-xin và đã triển khai tiêm gần 60 triệu liều. Sắp tới, vắc-xin sẽ tiếp tục về và hy vọng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ được chích ngừa và là điều kiện để du lịch gia đình có thể triển khai trở lại.
Trong điều kiện bình thường mới, du lịch phải bảo đảm 5K, vắc-xin... để tránh “mở ra, đóng lại” gây khó khăn cho cả DN và nền kinh tế. Việc tăng tốc phủ vắc-xin ở điểm đến là hết sức cần thiết. Đề nghị Chính phủ, ngành du lịch quan tâm tiêm vắc-xin cho người dân ở điểm du lịch, nhân viên ngành du lịch để bảo đảm an toàn.
Đây là kinh nghiệm của một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Cụ thể, Chương trình "Hộp cát Phuket" tổ chức trong 3 tháng qua ở Thái Lan đã thu hút 42.000 du khách và họ hy vọng 6 tháng cuối năm sẽ thu hút 1 triệu du khách đến Phuket. Nếu tính trung bình mỗi du khách chi tiêu 1.000-3.000 USD thì con số là rất lớn.
Rõ ràng, tiềm năng chúng ta có nhưng vấn đề là phải có cách làm như thế nào để an toàn, bảo đảm thu hút được nguồn khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, QR code trong ngành du lịch. So với nhiều nước, chúng ta chưa mạnh trong việc ứng dụng công nghệ cao vào du lịch, nên cần phải có sự đầu tư để ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí trong sự phục hồi du lịch thời gian tới cũng rất quan trọng. Riêng Báo Người Lao Động mấy năm qua đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương". Những chương trình này có thể phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch và với các địa phương mọi miền đất nước, 28 tỉnh - thành có biển và 25 tỉnh có đường biên giới trên bộ. Trong những sự kiện kết nối du lịch của các địa phương và ngành du lịch, chúng tôi hoàn toàn có thể tham gia để tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân, Bộ đội Biên phòng những điểm đến của 28 tỉnh - thành có biển và 25 tỉnh có đường biên giới trên bộ; tặng cờ Tổ quốc, tặng ảnh Bác cho lực lượng biên phòng cũng như bà con sinh sống dọc biên giới ở những điểm tuyến du lịch, để chúng ta vừa làm du lịch vừa lan toả hơn nữa lòng yêu Tổ quốc và tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền. Tôi nghĩ rằng đây có thể là một điểm sáng như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vừa nêu, tức là làm du lịch phải có điểm riêng, độc đáo, không chỉ là hoạt động tắm biển, ẩm thực, hưởng không khí trong lành của rừng núi mà còn làm được điều ý nghĩa là góp phần chung tay, chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với định hướng mới, cách làm mới như thế, ngành du lịch, các địa phương sẽ có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa, có sự chia sẻ đồng hành hỗ trợ hơn nữa.
Du lịch là ngành tổng hợp, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ và kết nối của các doanh nghiệp, các địa phương, như ngành vận tải và du lịch là rất cần sự kết nối. TP HCM vừa qua đã làm rất tốt việc thí điểm du lịch Cần Giờ, Củ Chi; nhưng sắp tới cần kết nối thêm các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chúng ta phải làm sao để cùng đồng hành, chia sẻ trong sự khôi phục lại du lịch trong thời gian tới.
Các y - bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch ở TP HCM tham quan, trải nghiệm tour Cần Giờ - Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã mở nhiều chuyên mục hỗ trợ ngành du lịch, cùng với các báo đài khác cũng tăng cường sự kết nối, là bước khởi đầu, sự nhóm lên của "ngọn lửa". Trong thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa các Bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương; kết nối chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp để "phá băng", phục hồi và phát triển ngành du lịch bền vững.
Chúng ta, với quyết tâm rất cao, với sự đồng hành cùng nhau sẽ đưa ngành du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cần thêm nhiều tour du lịch khép kín với các điểm đến an toàn
Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để góp phần giải bài toán khó khăn về du lịch hiện nay. Các bộ, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng cần có sự đồng hành như giảm lãi suất; miễn giảm điện, nước; hỗ trợ vắc-xin, hỗ trợ nguồn nhân lực trở lại để ngành du lịch có thể cất cánh một cách bền vững trong tương lai.
11:28 ngày 14/10/2021
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 4 định hướng của ngành du lịch thời gian tới
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL:
Bộ VH-TT-DL đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch.
Cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt.
Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.
Các tour du lịch Hà Nội bằng xe đạp của Công ty Vietfoot Travel khá được yêu thích vì tốt cho sức khỏe, phù hợp với nhiều đối tượng
Thứ hai, đồng hành cùng DN, có chính sách hỗ trợ cho DN, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ, giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung DN để DN du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này.
Thứ 3, cùng DN xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo...
Thứ 4 là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến DN lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.
11:23 ngày 14/10/2021
Phú Yên: Đề xuất ứng dụng công nghệ để du lịch an toàn
Ông TRẦN HỮU THẾ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại rất lớn, nguồn nhân lực 15% nghỉ việc; 25% làm việc bán thời gian và còn lại hoạt động cầm chừng. Khách du lịch giảm 90%. Do đó, để khôi phục trở lại, tỉnh xác định mở cửa an toàn để kích cầu du lịch.
Về phía địa phương, đã thống nhất tiêm chủng và triển khai đón khách an toàn; người lao động cũng cần tiêm chủng để phục vụ du khách tốt nhất. Ngoài ra, đối với những vấn đề liên quan tới nguồn cung ứng, những tài xế vận tải trên địa bàn, tài xế taxi cũng đã cho tiêm chủng 100% mũi 1 và đang tiêm mũi 2 để phục vụ khách an toàn.
Chúng tôi cũng đang triển khai tiêm chủng cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Vậy sắp tới, chúng tôi nghĩ rằng đối với những khách đến, chúng tôi cũng đồng tình với Quảng Ninh là khách cũng cần có trách nhiệm và các công ty lữ hành cũng cần bảo đảm vấn đề dịch tễ, tiêu chuẩn, xét nghiệm PCR… Vẫn xác định xét nghiệm PCR để bảo đảm xác suất an toàn hơn về kiểm soát dịch tễ. Tôi đồng tình dùng ứng dụng công nghệ để nắm, có thông tin về du khách khi tới, để biết địa phương sẽ đón bao nhiêu khách, lịch sử dịch tễ và có xét nghiệm bảo đảm an toàn không.
Sông Ba nhìn từ khách sạn Sài Gòn - Phú Yên Thanh Loan
Trong bối cảnh ngày nay, không thể dùng giấy như trước mà cần ứng dụng công nghệ; quản lý hiệu quả, trách nhiệm làm sao phục hồi kinh tế là chung của mọi người. Đơn cử, như đi bằng máy bay thì đã có thông tin rõ ràng nhưng còn đường bộ, đường thuỷ, tàu hoả… thì các cơ sở phục vụ trên đường có thể gây rủi ro cho các địa phương khác trên đường đi. Do đó, tổ chức những điểm dừng chân, điểm đến cũng phải chặt chẽ, hiệu quả để quá trình phục hồi du lịch tốt hơn.
Với vai trò bà đỡ của Nhà nước trong khôi phục ngành du lịch, tôi cho rằng cần vắc-xin để những người làm trong ngành du lịch tiếp xúc trực tiếp với du khách phải an toàn; du khách đi máy bay thì đã có tiêu chuẩn an toàn, vậy còn đường bộ thì sao? Dữ liệu thông tin của du khách cần kết nối và bảo đảm giữa các nơi đến, quét QR Code hết ở các điểm đi qua để bảo đảm thông tin, kết nối an toàn.
Đối với các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước để giảm bớt chi phí, đặc biệt trong vấn đề chi phí để kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm nhanh, chi phí liên quan phòng dịch… Một số địa phương cần bảo đảm năng lực xét nghiệm, trả kết quả nhanh chóng cho các đoàn khách du lịch khi đến.
11:23 ngày 14/10/2021
Phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng phát biểu về việc khôi phục, phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới
11:11 ngày 14/10/2021
Quảng Ninh: Không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng
Ông PHẠM NGỌC THỦY - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh:
Thời gian gần đây, khi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các địa phương để trao đổi kinh nghiệm hợp tác, phát triển du lịch, tôi được hỏi câu “các doanh nghiệp lo nhất gì?”.
Lo nhất là mở ra nếu không quản trị được thì đóng lại. Năm 2020 có chương trình kích cầu lớn nhưng tháng 7 lại đóng, cuối năm cũng tương tự. Khi mở lại hoạt động du lịch không hề đơn giản. Cơ sở vật chất, nhân lực như nào? Nếu không tính toán quản trị để hoạt động bền vững thì không bảo đảm. Truyền thông những vùng an toàn rồi thì thế nào để người dân yên tâm? Tâm lý người dân còn chưa an tâm. Cứ xây dựng chương trình nhưng đã tìm hiểu người dân chưa? Bao nhiều người đồng lòng với chính sách, sẵn sàng đi du lịch? Khó khăn của doanh nghiệp là gì?
Tôi tâm đắc Thủ tướng nói y tế, kinh tế xã hội đồng bộ... thì mới phát triển bền vững. Cần xác định kế hoạch chiến lược xây dựng kinh tế dịch vụ, trong đó có du lịch. Như Quảng Ninh, dịch vụ chiếm 45% kinh tế, trong đó có phát triển du lịch là nòng cốt.
Tháng 10, chúng tôi triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu ổn sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập. Chúng tôi đề xuất để làm tốt quản trị, không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí... Địa phương hiện chưa có phần mềm kiểm soát đối tượng nào an toàn. Đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta kiểm soát được.
Ngoài ra, cần phải truyền thông tích cực, chủ động, tạo niềm tin cho người dân, từ đó mới thu hút được khách đi du lịch. Cũng cần công khai điều kiện, chương trình của các địa phương để đáp ứng. Tiếp tục quan tâm xem xét hỗ trợ người lao động thời gian tới. Trong 62.000 người lao động trong ngành du lịch, đã có số lượng lớn chuyển qua các ngành khác. Chúng tôi rất cảm ơn các địa phương có thể kết nối tiếp tục phát triển.
10:58 ngày 14/10/2021
Đà Nẵng: Đề nghị sớm có hướng dẫn thống nhất đón khách
Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:
Một trong những tiêu chí là phủ vắc-xin thì Đà Nẵng đã phủ trên 93% dân cho mũi 1 và khoảng 13% cho mũi 2. Đến thời điểm này, cùng chung với nỗ lực phòng chống dịch của cả nước thì Đà Nẵng đang bước vào bình thường mới để khôi phục trở lại.
Đà Nẵng xây dựng 2 phương án: Đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Theo hướng dẫn mới nhất của Nghị quyết 128 và quyết định của Bộ Y tế, điều kiện đi lại thuận lợi của người dân trong nước, từ đó hỗ trợ du khách trong nước di chuyển giữa các địa phương và tham quan du lịch; cơ sở để đón khách quốc tế.
Đối với đón khách quốc tế, còn tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến. Hiện chúng tôi đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc, cũng như mong muốn đón khách nhập cảnh là khách thương mại, các nhà đầu tư và lãnh đạo của các công ty du lịch có thể tới Đà Nẵng để chuẩn bị đón khách du lịch tới các thị trường trọng điểm quốc tế…
Đà Nẵng đang nỗ lực bao phủ vắc-xin để nhanh chóng mở cửa du lịch
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch; tiếp tục xây dựng các sản phẩm trong thời gian qua, dù chưa đón khách du lịch nhưng vẫn tập trung triển khai hạng mục đầu tư công, trong đó có hạng mục phục vụ du lịch. Từ đó góp phần khôi phục và tạo sự hấp dẫn cho ngành du lịch Đà Nẵng; cùng với việc hỗ trợ và giữ chân người lao động trong ngành, sớm trở lại thời gian tới.
Chúng tôi kiến nghị, sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, để các địa phương triển khai đồng bộ. Kiến nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch thống nhất với các thị trường chung về hộ chiếu vắc-xin ở các thị trường trọng điểm, để tổ chức các chuyến du lịch tới Đà Nẵng và cả nước.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai liên kết tốt với Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và sắp tới Quảng Trị, nên chúng tôi kỳ vọng có thể sớm thống nhất một bộ tiêu chí đón khách chung của cả vùng và cả Việt Nam.
Bà Nà - một trong những điểm đến thu hút du khách khi đến Đà Nẵng
10:58 ngày 14/10/2021
Triển khai tiêu chí hàng không xanh, lộ trình 2022 mở rộng chuyến bay quốc tế
Ông VŨ HỒNG QUANG, Phó Trưởng Phòng vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam:
Thời gian qua địa phương, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không trong việc duy trì mức tối thiểu nhất các hoạt động hàng không, từng bước khôi phục lại ngành. Thủ tướng, bộ ngành cũng rất quan tâm đến khôi phục lại bay nội địa.
Hàng không là một trong 5 phương tiện vận chuyển, có vai trò quan trọng. Về chuẩn bị, để có hoạt động du lịch bền vững, duy trì phát triển dần chứ không phải mở ra rồi đóng lại, ngành đã có sự chuẩn bị cả năm nay, cụ thể là triển khai tiêu chí hàng không xanh.
Tất cả các chuyến bay đi, đến đều có quy định cụ thể về tổ bay, tàu bay trước trong và sau chuyến bay. Tất cả cảng đều khẳng định là “xanh”, khi khách khi bước vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ về dịch cho đến khi ra. Với sự kiểm soát chặt chẽ, kể cả sự ra vào của taxi, chúng tôi sẵn sàng cho các chuyến bay.
Tôi hiểu vì sao hành khách hỏi tại sao tiêu chuẩn chặt chẽ như thế. Văn bản thí điểm 10 ngày bay kể từ 10-10 gần như một bước tập dượt, ngành không đặt lợi nhuận mà chuẩn bị chủ yếu về quy trình từ đặt vé, xét duyệt khách, thậm chí phối hợp chặt chẽ với địa phương. Mong có được sự chia sẻ từ hành khách.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho giai đoạn 2-3 ngày tới sẽ báo cáo cấp cao hơn sẽ có bước triển khai cho giai đoạn sau thí điểm với đúng tính chất bay thương mại, điều kiện nới rộng hơn với mọi đối tượng người dân. Sau đó, tiếp tục mở rộng nhiều đường bay để đối tượng khách đa dạng hơn.
Hi vọng các địa phương, doanh nghiệp có tổng kết để mở rộng đối tượng được bay nội địa, cùng đưa ra kiến nghị. Về bay quốc tế, chúng tôi đã làm kế hoạch khai thác lại đường bay.
Chiều qua có cuộc họp phối hợp với Kiên Giang để tổ chức đường bay Phú Quốc là bước quan trọng. Trong quá trình thí điểm, cố gắng bảo đảm quy trình, quy định phê duyệt, các địa phương khác sẽ thực hiện theo đúng mô hình này. Ngoài ra, ngành hàng không tổ chức chuyến charter cấp phép, sẵn sàng tạo điều kiện cho hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác các chuyến bay đến. Chúng ta nhìn nhận để bảo đảm việc các chuyến bay đến các địa phương thì phải có đủ vắc-xin.
Các thành phố lớn được ưu tiên nhưng nhiều địa phương chưa có độ phủ cao. Chúng tôi đưa ra lộ trình đầu năm 2022 tổ chức lại chuyến bay quốc tế từ các địa phương, mong địa phương phối hợp để có đồng thuận cao về vấn đề này.
10:44 ngày 14/10/2021
Phú Quốc: Sớm thí điểm đón khách quốc tế
Bà QUẢNG XUÂN LỤA, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang:
Hiện chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành và doanh nghiệp và đã cơ bản hoàn thành kế hoạch và đang chờ ý kiến của các bộ ngành trung ương để ban hành tiêu chí đón khách quốc tế, tiêu chí cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.
Để sẵn sàng đón khách quốc tế thí điểm, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và tiêm mũi 2 vét hoàn thành trong tháng 10. Phú Quốc đang triển khai về nhân lực, vật lực, phương án xét nghiệm, xử lý sự cố khi có tình huống xảy ra.
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang dự kiến cuối tháng 11 này có thể vận hành đón khách bảo đảm kế hoạch đề ra và phối hợp các sở ngành đi tiền trạm, khảo sát để phục vụ đón khách an toàn trong tình hình mới. Ngành du lịch địa phương cũng chuẩn bị các sản phẩm du lịch trong những ngày đón khách quốc tế. Ngành du lịch tỉnh cũng lên kế hoạch hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ quảng bá, truyền thông để đón khách thuận lợi…
Với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng, hiện đại, Phú Quốc sẵn sàng đón du khách khi bảo đảm an toàn - TÂM QUÂN
Trong giai đoạn thử nghiệm sẽ thí điểm đón 1-3 chuyến bay rồi đón khách quốc tế chính thức. Chúng tôi cũng xây dựng các bộ tiêu chí an toàn trong dịch Covid-19, ưu tiên thị trường cấp 1 nguy cơ thấp trong điều kiện bình thường mới, tương ứng vùng xanh, an toàn có độ bao phủ vắc-xin cao ở những điểm đến trên địa bàn để mở cửa đón khách.
Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất các nhóm giải pháp về tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm… Hiện đã mở lại các đường bay từ Phú Quốc – TP HCM, Phú Quốc – Rạch Giá chuẩn bị cho khôi phục ngành du lịch tỉnh.
10:34 ngày 14/10/2021
Thừa Thiên - Huế: Cần điều chỉnh kế hoạch phục hồi du lịch sau Nghị quyết 128
Ông TRẦN HỮU THÙY GIANG - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Hành khách đi máy bay đến Huế không bị cách ly mấy ngày nếu đủ điều kiện, hiện đã có 3 chuyến bay đến Huế. Khách cũng có thể đăng ký lưu trú dịch vụ nếu không có điều kiện theo dõi tại nơi cư trú.
Dù trước nay ngành du lịch Huế vẫn hoạt động nhưng chủ yếu đón khách nội tỉnh. Đề nghị các tỉnh thành, ban ngành liên quan lưu tâm vấn đề là đã có Nghị quyết 128 quy định rõ 4 mức xanh, vàng, cam, đỏ. Vùng xanh hầu như mở cửa, không có chuyện yêu cầu tiêm chủng, xét nghiệm, được tự do đi lại nên tôi nghĩ nên bàn sâu để mở rộng thêm các điều kiện hoạt động du lịch.
Một góc Rú Chá (Thừa Thiên - Huế ) - Ảnh: QUANG NHẬT
Cần giải pháp quan trọng là tăng tốc phủ vắc-xin, trước hết cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến. Đề nghị điểm đến đẩy nhanh hoàn thành thẻ QR liên thông quốc gia. Nghị quyết 128 mở nhiều điều kiện cho công dân ở vùng xanh. Do đó đề nghị xem xét điều chỉnh sát với thực tế phục hồi phát triển du lịch.
10:22 ngày 14/10/2021
Sungroup "phủ áo mới" cho các khu nghỉ dưỡng
Bà NGUYỄN VŨ QUỲNH ANH, Tổng Giám đốc khối SHG (Sun Hospitality Group):
Với mảng du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn ở phân khúc cao cấp nên tiếp cận tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế, có tiêu chuẩn làm sao vận hành bảo đảm an toàn cho du khách. Sự chuẩn bị của Sungroup đối với phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 đến thời điểm này, ngay trong gian đoạn giãn cách thì chúng tôi đã tranh thủ lập chiến dịch “phủ áo mới” cho các cơ sở nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ tốt nhất khi khách hàng nội địa và quốc tế quay trở lại.
Cáp treo dài nhất thế giới vượt biển ra Hòn Thơm là một trong những điểm nhấn ở Phú Quốc Ảnh- VĂN DƯƠNG
Chúng tôi cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời, chuyển đổi số là cần thiết để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, nhất là hạn chế tiếp xúc theo yêu cầu an toàn.
Với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc-xin, ngay trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi cũng khai trương một resort mới hơn 1.300 phòng và một khách sạn khác… Chúng tôi cũng đang hợp tác, khởi động lại trao đổi với đối tác quốc tế và trong nước, nhất là ở những thị trường tiềm năng, làm sao đưa khách quốc tế tới Phú Quốc thông qua hộ chiếu vắc-xin.
Sungroup đã chuẩn bị sẵn sàng với những đối tác hàng đầu thế giới, khi các đối tác này có tiêu chuẩn rất cao về hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh do đó doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện để triển khai, với quy trình phối hợp chính quyền địa phương để sắp tới khi đón khách bay charter thì sẵn sàng.
Từ Phú Quốc, sẽ mở cửa ra các địa phương khác, để không chỉ là bay charter mà còn những chuyến bay thương mại khác. Để làm điều này, doanh nghiệp kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhất là những địa phương đón khách du lịch; thống nhất quy trình đón khách để có trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Cần quảng bá thêm ra quốc tế để du khách thấy Việt Nam là điểm đến an toàn và sẵn sàng đón khách trong thời gian tới khi điều kiện cho phép.
10:13 ngày 14/10/2021
Vingroup ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cao trải nghiệm cho khách
Ông LÊ KHẮC HIỆP - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup:
Vingroup có Vinpearl hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng lớn với 45 cơ sở lưu trú, khách sạn 5 sao và trung tâm vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam.
Chúng tôi chuẩn bị đón khách theo quy định nhà nước: 100% nhân viên được tiêm 2 mũi, tham gia khóa đào tạo gồm phương án bảo hộ an toàn, đúng chuẩn. Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của địa phương, các bộ, Vingroup cũng đưa ra tiêu chuẩn an toàn, nâng cao hơn, cụ thể nhân viên được bố trí 3 tại chỗ, khoanh vùng sinh hoạt, theo dõi lịch trình...
Vingroup sẽ liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh, hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo giúp khách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc. Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch, như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển. Ngoài ra, tại Nha Trang, chúng tôi chuẩn bị nhiều sản phẩm vui chơi giải trí để khách trải nghiệm.
Phú Quốc United Center - Siêu quần thể đa dạng các loại hình vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng
Tại Phú Quốc, VinWonders có kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động Cung điện Hải Vương - Công trình thủy cung hình rùa lớn nhất thế giới với 5 phân khu đặc sắc…, tin rằng sẽ có trải nghiệm thú vị không ngừng nâng cấp sản phẩm để tạo trải nghiệm cho du khách quốc tế với 1 điểm đến mọi nhu cầu.
Chúng tôi mang đến kỳ nghỉ trọn vẹn trong nội khu với độ an toàn cao, sở hữu hạ tầng đáp ứng được nhu cầu cao cấp, du lịch sức khỏe, hội họp... Chuẩn bị để đón khách khi điều kiện cho phép. Thời gian tới, chúng tôi có khuyến mại lớn về giá phòng, giá dịch vụ rất hấp dẫn. Khách có thể theo dõi trên website để nắm được thông tin chi tiết.
10:09 ngày 14/10/2021
Quảng Bình: Thí điểm tour trọn gói 1 cung đường - 2 điểm đến
Ông HỒ AN PHONG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình:
Theo tôi, trong câu chuyện khôi phục kinh tế, trong đó có ngành du lịch, đóng thì dễ, mở thì khó. Muốn khôi phục trở lại cần làm "ấm hòn than hồng".
Hiện chúng tôi thấy có 3 xu hướng, khách du lịch có nhu cầu đi theo nhóm nhỏ, đi gần và đi xa. Do đó, du khách thích trở về thiên nhiên, sinh thái, du lịch biển là xu thế phù hợp.
Trong 4 làn sóng dịch Covid-19 thì Quảng Bình tránh được 3 lần đầu. Đến lần thứ 4, Quảng Bình là một trong 5 tỉnh bùng phát dữ dội, có gần 2.000 F0 và chống dịch trong gần 3 tuần. Sau đó, địa phương cũng mở cửa ngay và khôi phục du lịch. Quảng Bình ban hành ngay văn bản khung về khôi phục vụ du lịch trong trạng thái bình thường mới, để ai cũng có thể làm ngay. Ban hành hướng dẫn an toàn về y tế, theo tinh thần của Chính phủ; không cách ly y tế đối với khách đã tiêm 2 mũi vắc-xin, khách đã lành bệnh thì tự theo dõi y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú với điều kiện cơ quan y tế giám sát chặt chẽ. Điều này tạo yên tâm, thoải mái cho du khách.
Những ngôi sao mạng xã hội tham gia quảng bá cho du lịch Quảng Bình
Quảng Bình thí điểm du lịch trọn gói khi vừa phê duyệt cho Công ty Oxallis trong 2 tháng tổ chức tour trọn gói 1 cung đường - 2 điểm đến từ các địa phương khác tới Quảng Bình.
Hết đợt mưa bão này, công ty sẽ có tour ngay và hiện đã bắt đầu bán tour đón khách. Từ những đốm lửa này, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.
10:04 ngày 14/10/2021
Bình Định: Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng, du lịch khó khôi phục
Ông LÂM HẢI GIANG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức tạo đàm của Báo Người Lao Động trong bối cảnh chuyển từ "Zero Covid-19" sang thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Dịch đã ảnh hưởng sâu trên tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đặc biệt dịch vụ, du lịch. 9 tháng đầu năm, Bình Định chỉ 1,2 triệu, giảm 33,5%, doanh thu giảm 25,7%. Đợt dịch lần thứ 4 này tỉnh có 1.435 ca mắc, đứng 25/63 tỉnh, thành.
Tại thời điểm này, dịch đã được khống chế cơ bản. Tỉnh quyết định mở cửa nhiều hoạt động từ 15-10, trong đó có hoạt động lưu trú đáp ứng điều kiện không quá 50% công suất. Để chuẩn bị mở cửa, tỉnh tập trung ưu tiên tiêm vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ và địa bàn trọng điểm để tạo vùng xanh an toàn. Các hướng dẫn viên, cơ sở kinh doanh khách sạn nhà hàng đều được ưu tiên tiêm trước. Đầu tháng 10, tỉnh có chủ trương tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân bán đảo Phương Mai, nơi đây tập trung nhiều cơ sở du lịch lớn trọng điểm của cả tỉnh. Mở cửa được Phương Mai là bài học để thực hiện ở địa bàn khác.
Tháp Chăm Bình Định - Ảnh: NGÔ HÒA NAM
Tỉnh đã giao Sở Du lịch xây dựng đề án đón các chuyến bay quốc tế trong tháng 12. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mùa này là mùa thấp điểm, để bảo đảm được hiệu quả khi mở cửa cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương cả nước, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được. Bình Định thời gian qua đã xúc tiến nhiều hoạt động mở cửa, khôi phục. Đa số thống nhất mở lại các đường bay trong nước. Nhưng hiện mới kết nối được với TP HCM, còn Hà Nội, Hải Phòng thì chưa vì lý do tiêu chuẩn của các địa phương này.
Để đạt được hiệu quả, vấn đề quan trọng là khách. Nếu khách còn e ngại thì mở cửa cũng không thu hút được. Truyền hông để có thông tin cụ thể, kịp thời về điểm đến an toàn là hết sức cần thiết. Tỉnh cũng quyết liệt phòng chống dịch để tạo được điểm đến an toàn, tâm lý thoải mái cho khách. Cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị tạo thống nhất, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có tâm lý thoải mái.
Để có khách, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ. Đặc biệt, cần sự phối hợp của cơ quan truyền thông. Trong đó ý tưởng kết nối của Báo Người Lao Động có ý nghĩa quan trọng.
09:54 ngày 14/10/2021
Quảng Nam: Du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm vắc-xin
Ông LÊ TRÍ THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
Tỉnh Quảng Nam rất quan tâm phục hồi du lịch nhưng cũng phù hợp với thực tiễn của địa phương trong phòng chống dịch. Chúng tôi quan tâm tỉ lệ vắc-xin, hiện việc tiêm vắc-xin mới đạt 33%. Do đó, việc phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm ngừa.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phủ vắc-xin, nhất là ở Hội An và các điểm đến khác. Từ nay tới tháng 12, địa phương cũng chia sẻ nhiều lộ trình khác nhau, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho khách nước ngoài về nhập cảnh, nới lỏng cho khách tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc khách đã khỏi bệnh.
Khu phố cổ Hội An - Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã đón hơn 22.000 khách và trong đó đón hơn 2.000 khách nhập cảnh cách ly để người làm du lịch quen dần. Chúng tôi cũng hợp tác, liên kết với Đà Nẵng, TP HCM, để cùng nhau khai thác du lịch nội địa theo tiến trình khôi phục.
Chúng tôi cũng triển khai quyết định mới nhất của Chính phủ về thích nghi an toàn, thích ứng Covid-19 và từng bước mở cửa trong tháng 11 để đón khách ở vùng vàng, vùng xanh. Lúc đó, việc bao phủ vắc-xin cũng nhiều hơn và thận trọng tốt hơn. Dù vậy, miền Trung có đặc điểm trong tháng 10-11 là mùa mưa bão nên việc tính toán phòng chống dịch, phòng chống thiên tai cũng cần hài hoà.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nắm bắt tâm tư, góp ý của du khách (Ảnh chụp năm 2020, khi Quảng Nam chưa có dịch Covid-19)
Chúng tôi cũng đề cao việc mở cửa đi lại giữa các địa phương bằng đường hàng không và sẽ mở cửa đón khách nội địa từ tháng 12 và chuẩn bị đón khách quốc tế đi theo tour để kiểm soát và thích ứng dần từng bước, chứ chưa đón khách quốc tế tự do.
Quảng Nam sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, ghi nhận ý kiến của du khách. Từ nay đến cuối năm, sẽ mở cửa từng bước thận trọng, gắn với phủ vắc-xin, thận trọng theo hướng dẫn thích nghi an toàn, linh hoạt theo tình hình mới và mở cửa trong ngành giao thông vận tải được thông suốt hơn.
09:49 ngày 14/10/2021
PHIÊN 2: ĐỀ XUẤT VÀ HIẾN KẾ GIẢI PHÁP
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Ngành du lịch luôn nhận được quan tâm của Thành ủy, UBND TP HCM. 1.000 khách sạn, 25.000 phòng khách sạn đã tham gia làm nơi cách ly, nơi cư trú của y bác sĩ, công nhân.
Ngành cũng có bước chuẩn bị cho sự tái hoạt động như kiến nghị tiêm vắc-xin, thực hiện các dự án công nghệ thông tin như phiên bản mới của website, app... Ngay khi dịch vừa có dấu hiệu kiểm soát được, Sở đã tổ chức những tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu, từ đó mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn.
Đoàn du khách tham quan Cần Giờ sáng 1-10 - Ảnh: LAM GIANG
Giai đoạn đầu trong tháng 10, thành phố triển khai du lịch nội vùng, giai đoạn 2 làm việc địa phương liền kề để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11 và dự thảo đề án đón khách quốc tế vào giai đoạn 3.
Chúng tôi kỳ vọng từ năm 2022, du lịch thành phố khôi phục hoàn toàn. Chúng tôi nhận định giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. Đây là chìa khóa cho tái hoạt động.
Ngoài ra cần có sự liên kết giữa các tỉnh thành. Chúng tôi đã liên kết với 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020 nên việc nối lại để tái khởi động cũng rất thuận lợi. Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hộ phục hồi nhanh bền vững thời gian tới.
09:42 ngày 14/10/2021
Đại dịch kéo doanh thu của Vietravel quay lại 10 năm trước
Ông TRẦN ĐOÀN THẾ DUY, Tổng giám đốc Công ty Vietravel:
Vietravel hoạt động trên cả 2 lĩnh vực hàng không và du lịch, trong đó hãng hàng không Vietravel Airlines vừa mới thành lập không lâu nên chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
Đơn cử, tôi dẫn vài con số, năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỉ đồng. Năm 2020 chỉ 350.000 khách, doanh thu 1.600 tỉ đồng so với năm 2019. Và đến năm 2021, dự kiến chỉ khoảng 10% so với năm 2019 với kết quả này kéo Vietravel quay lại kết quả của 10 năm trước.
Công ty có hơn 40 văn phòng trong nước và 6 chi nhánh ở nước ngoài, hiện phải đóng cửa hơn 50% hoặc tạm thời đóng cửa. Toàn hệ thống 1.700 nhân viên và trên 90% nhân sự nghỉ không lương.
Sức ép từ thị trường đóng băng hoàn toàn, duy trì nhân sự,…. nhưng công ty vẫn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi, trong đó có quan tâm xây dựng sản phẩm phù hợp tình hình mới. Từ đầu tháng 10, đã xuất hiện tín hiệu tích cực ở TP HCM và các địa phương. Đặc biệt, Chính phủ đã thay đổi quan điểm từ chiến dịch “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, nên TP HCM và các tỉnh đã mở lại, là tín hiệu tích cực.
Không gian xanh mát cùng nhiều hoạt động giải trí, Củ Chi là điểm đến thích hợp để du khách thư giãn cuối tuần - Ảnh: Vietravel
Các tỉnh, thành cũng cho phép mở cửa trở lại. Chúng tôi ngoài TP HCM thì cũng làm việc với các địa phương khác, để khi điều kiện cho phép thì sẵn sàng có sản phẩm trong điều kiện an toàn trong tình hình mới. Tập trung vào yếu tố an toàn: điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và dịch vụ an toàn, chỉ cam kết đến những địa phương công bố an toàn…
Hiện các địa phương chỉ dừng lại ở mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Nên việc mở cửa cho nội thành, nội vùng, nội tỉnh để giúp khách hàng có bước đầu, còn để du lịch thật sự trở lại thì cần điều kiện liên kết. Do đó, mong muốn các địa phương sớm mở cửa trở lại, thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay để du khách và doanh nghiệp có thể sớm trở lại.
09:38 ngày 14/10/2021
Có ngày không có chuyến bay nào trên bầu trời
Ông ĐẶNG ANH TUẤN - Trưởng Ban Truyền thông của Vietnam Airlines:
Tôi xin phép không nói nhiều khó khăn vì ai cũng hiểu. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh trong 60 năm ngành hàng không dân dụng Việt Nam, giai đoạn qua là những ngày “lịch sử”. Có những ngày không có một chuyến bay nào trên bầu trời, nhiều ngày chỉ chở nửa chuyến bay Hà Nội -TP HCM.
Chúng tôi phải tháo ghế của gần 20/100 máy bay để chở hàng. Điểm qua để thấy rằng đã có sự thay đổi và thực sự khó khăn. Tuy năm 2020 đã khó rồi nhưng 2021 còn khó hơn, song khó không có nghĩa là dừng lại.
Chúng tôi đã có sự chuẩn bị, duy trì độ sẵn sàng của máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế, duy trì bảo trì, bảo dưỡng... Cùng đó, làm việc với các địa phương để chuẩn bị cho phục hồi. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã ký hợp tác với 16 tỉnh, sắp tới có thêm Đồng Nai.
Mới đây nhất, chúng tôi làm việc với Vingroup, Sungroup, Saigontourist để thí điểm tour Côn Đảo - Hồ Tràm. Với lịch bay, theo sự cho phép của Chính phủ, từ ngày 10-10, hàng không khôi phục 10 ngày thí điểm với 16 đường bay. Kết quả, duy nhất đường bay Hà Nội - TP HCM còn có nhiều khách, còn lại cơ bản khách hàng băn khoăn, thăm dò lo lắng.
Từ 10-10, hàng không khôi phục 10 ngày thí điểm với 16 đường bay
Hàng không có khái niệm hành lang xanh. Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt dù khó khăn nhưng vẫn bỏ nguồn lực lớn triển khai phương pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới.
Vietnam Arlines là hãng thứ 13 trên thế giới đạt chứng chỉ 5 sao về an toàn phòng chống dịch bệnh. VNA đã báo cáo Chính phủ sớm tham gia chương phổ biến sức khỏe IATA. Bộ VH-TT-DL và trực tiếp là Tổng cục Du lịch cần trực tiếp chỉ đạo nếu không sẽ mất lợi thế kinh tế.
Chúng tôi cũng đề xuất khi xây dựng tour, tuyến cần có tiêu chí chung. Đề nghị địa phương quan tâm bao phủ vắc-xin. Theo khảo sát vừa rồi, đa số hành khách vẫn đi du lịch biển, sau đó là núi cao, nhưng có điểm mới là khách sẵn sàng đi những điểm mới khai phá, ít người biết. Do đó, bao phủ vắc-xin tại điểm đến là điều quan trọng.
09:17 ngày 14/10/2021
Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 lần này ngoài sức tưởng tượng
Ông VÕ ANH TÀI, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):
Chúng tôi trải qua chặng đường dài hơn 46 năm hoạt động nên có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 lần này ngoài sức tưởng tượng.
Trong vòng xoáy ảnh hưởng đại dịch nghiêm trọng mang tính toàn cầu thì Saigontourist Group chúng tôi cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thời điểm áp dụng nghiêm ngặt giãn cách xã hội để ưu tiên phòng chống dịch.
Vào đầu quý 2 năm ngoái, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu nguy cơ lan rộng, chúng tôi đã xây dựng các tình huống giả định 5 kịch bản, với các tình huống từ xấu nhất có thể xảy ra đến tình huống tốt nhất khi thị trường quay lại bình thường như thời kỳ năm 2019. Từ 5 kịch bản đó chúng tôi chia thành các nhóm hành động, các giải pháp chi tiết từ dịch bệnh, biến động thị trường, khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, kích cầu, công tác quản lý tài chính, chăm lo giữ nguồn nhân lực…trong đó vấn đề ưu tiên là yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Kinh nghiệm có thể mở cửa hoạt động đảm bảo an toàn ngay cả khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu cũng chính là một trong những lý do Saigontourist Group được lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP HCM, Bộ Y tế… tin tưởng giao nhiệm vụ tiên phong thực hiện công tác hậu cần ăn ở phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Đoàn y - bác sĩ, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tham quan TP HCM sau 3 tháng chi viện chống dịch ở TP HCM. Ảnh- HOÀNG TRIỀU
Tính từ tháng 6-2021 đến thời điểm hiện nay, Saigontourist Group đã tiếp đón hơn 200 lượt đoàn công tác của Bộ Y tế, ban ngành trung ương; tiếp đón phục vụ các đoàn y bác sĩ từ các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố khắp cả nước với hơn 25.000 lượt, phục vụ hơn 154.000 đêm phòng, hơn 633.000 suất ăn dinh dưỡng tại 24 khách sạn thuộc hệ thống, chi phí tham gia đợt này ước trên 300 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ 19-9 đến 07-10-2021, Saigontourist Group cũng đã tài trợ, tổ chức bảo đảm an toàn thành công 10 tour tri ân tại Cần Giờ, Củ Chi phục vụ trên 1.100 y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Mới nhất từ 13 đến 15-10, chúng tôi tổ chức chương trình “5.000 tô phở yêu thương phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch”.
5.000 tô phở yêu thương phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch
Trong tình hình hiện nay và thời gian tới, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của tập đoàn, với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển phải đảm bảo các yếu tố an toàn, chất lượng, mang lại nhiều lựa chọn, giá thực sự cạnh tranh, đi kèm các chương trình khuyến mãi, hậu mãi đặc biệt. Kinh nghiệm 24 khách sạn tại TP HCM phục vụ hậu cần y tế tuyến đầu chống dịch trong thời gian qua, hoặc các khách sạn 5 sao tại trung tâm TP HCM áp dụng staycation, take-away...
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist là công ty con tập đoàn tiên phong tổ chức thành công các tour tri ân đến các vùng xanh Củ Chi, Cần Giờ, đơn vị lữ hành đầu tiên tại Việt Nam tặng bảo hiểm Covid-19 cho khách… Cùng việc trên 50 đơn vị khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi giải trí của tập đoàn liên tục triển khai chương trình khuyến mãi đặc biệt áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm nhằm tăng ấn tượng đối với khách hàng, áp dụng phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh tại từng địa phương, là những ví dụ trong việc chủ động ứng phó thị trường.
Đối với vai trò lãnh đạo tập đoàn, chúng tôi đã liên tục kiến nghị cụ thể với lãnh đạo trung ương, TP HCM để hỗ trợ cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với lãnh đạo các tỉnh, thành, các đối tác lớn để chuẩn bị các kế hoạch hợp tác khi các địa phương chính thức mở cửa du lịch.
09:05 ngày 14/10/2021
PHIÊN 1: DU LỊCH ĐÃ "CHẠM ĐÁY"
Ông HÀ VĂN THẮNG - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai:
Ông Hà Văn Thắng
Lào Cai rất mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để có hội nghị trực tiếp tại Sa Pa bởi Sa Pa mùa này đang rất đẹp với rất nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc sẵn sàng đón chào quý khách.
Cũng giống như địa phương khác trải qua thời gian rất dài ứng phó đại dịch, du lịch tại Sa pa cũng có sự sụt giảm dù chúng tôi chưa hề có thông báo đóng cửa đón khách.
Mỗi tháng, chúng tôi đón bình quân 4.000 khách nội tỉnh. Khó khăn nằm ở chỗ không được đón khách địa phương khác và khách quốc tế trong khi tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Có 1.300 cơ sở lưu trú, 34 đơn vị lữ hành... phải giảm đón khách.
Trên 40 dự án đầu tư lớn với trên 50 ngàn tỉ đồng phải triển khai cầm chừng. Rất khó đánh giá được thiệt hại. Nếu như năm 2019, chúng tôi đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20.000 tỉ đồng thì năm nay dự tính chỉ thu 3,8 ngàn tỉ đồng. Khó khăn lớn khác nữa là gần như lực lượng lao động du lịch đã chuyển sang làm việc khác, thiếu nguồn lực lao động sau giai đoạn đại dịch.
Lào Cai chưa hề thông báo đóng cửa đón khách nhưng lượng khách trong nước và quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa LÊ HỮU HOÀNG:
Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch đón khách du lịch, kiểm soát và linh hoạt phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi đã xây dựng phương án thí điểm đón khách tiêm vắc-xin, đã báo cáo Tổng Cục Du lịch, Chính phủ cho phép đồng ý phương án này.
Để thực hiện, chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, các phương án một cách chi tiết nhằm khôi phục du lịch tại địa phương, góp phần vào phát triển chung. Chúng tôi cũng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi du lịch, bảo đảm chất lượng các khu du lịch, hướng tới bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn cho dân cư.
Có thể nói, các tỉnh trong khu vực và cả nước đều đã thực hiện khôi phục lại du lịch với tinh thần trách nhiệm cao với nhiều giải pháp cơ bản đáp ứng tình hình mới, an toàn vệ sinh dịch tễ, giá cả chất lượng dịch vụ, bảo đảm thân, thiện hấp dẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung phối hợp với hàng không, đường sắt, bến cảng, liên kết các tỉnh, thành trong cả nước.
Khu du lịch ở Bắc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) biệt lập phù hợp đón khách du lịch - Ảnh: KỲ NAM
09:01 ngày 14/10/2021
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Ngành du lịch nỗ lực trở lại
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Tôi đánh giá cao sáng kiến của Người Lao Động khi tổ chức toạ đàm thời điểm này, khi ngành du lịch đang nỗ lực trở lại. Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đang dự một cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ đề liên quan.
Tác động của đại dịch Covid-19 như chúng ta đã biết và trong bối cảnh này, làm sao để chuẩn bị cho câu chuyện phục hồi. Trong 2 năm 2020-2021, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành năm 2020 có gần 400/2500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hiện doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách cũng không nằm ngoài tác động, thiệt hại này.
Lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%, đặc biệt những nơi trung tâm du lịch công suất rất thấp. Từ năm 2021, số hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020, lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng, chỉ chiếm 10% làm khách sạn. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.
Bức tranh tổng thể cho thấy sự nghiêm trọng của ngành du lịch, du lịch giảm sâu, và toàn ngành đang mong dịch bệnh sớm được kiểm soát trong trạng thái bình thường mới. So với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương, liên quan đến sự di chuyển của con người, mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức; và khi phục vụ thì phải đợi các ngành khác phục hồi, rất khó, càng khó…
08:43 ngày 14/10/2021
Nội dung chính
Chương trình toạ đàm diễn ra trong 2 phiên:
- Phiên thứ nhất - chủ đề "Du lịch đã "chạm đáy": Các vị khách mời cùng trao đổi về bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch thời gian qua và hiện tại, thực trạng tình hình du lịch ở các địa phương đến thời điểm này; khó khăn của doanh nghiệp du lịch, hàng không.
- Phiên thứ hai - chủ đề "Đề xuất và Hiến kế giải pháp": Những mô hình có thể triển khai ngay trong giai đoạn này, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát để "phá băng" du lịch và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, địa phương…
Các y - bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch ở TP HCM tham quan, trải nghiệm tour Cần Giờ -Ảnh: Thái Phương
Sau các đợt dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngành du lịch gần như "đóng băng". Chưa bao giờ các doanh nghiệp trong ngành du lịch đối mặt với khó khăn, thách thức như thời gian qua.
Hiện diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước đang từng bước được kiểm soát, nhiều địa phương bắt đầu triển khai lộ trình khôi phục kinh tế theo hướng thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Với tinh thần đồng hành với Chính phủ, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm nhằm trao đổi, tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như đề xuất giải pháp phù hợp nhất để các doanh nghiệp trong ngành có thể sớm phục hồi, phát triển trở lại.
08:36 ngày 14/10/2021
DANH SÁCH KHÁCH MỜI
Về phía Trung ương:
- Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL
- Ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch
- Ông Vũ Hồng Quang – Phó Trưởng Phòng vận tải Hàng không – Cục Hàng không VN (Bộ Giao thông Vận tải)
Về phía TP HCM và các tỉnh - thành:
- Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
- Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
- Ông Lâm Hải Giang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
- Ông Lê Hữu Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
- Ông Hồ An Phong – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM
- Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa
- Ông Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở DL tỉnh Thừa Thiên – Huế
- Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai
- Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở DL tỉnh Quảng Ninh;
- Bà Quảng Xuân Lụa – Phó giám đốc Sở DL tỉnh Kiên Giang
- Ông Huỳnh Cao Nhất – Phó giám đốc, phụ trách Sở DL tỉnh Bình Định
- Ông Đặng Đông Hà –Phó Giám đốc Sở DL tỉnh Quảng Bình
- Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Sở DL TP Đà Nẵng
- Ông Lê Ngọc Tường – Phó giám đốc Sở DL tỉnh Quảng Nam
- Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
- Bà Vương Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa
Về phía các hiệp hội, hội ngành nghề và doanh nghiệp:
- Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM
- Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
- Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh – Tổng giám đốc khối SHG (Sun Hospitality Group)
- Ông Võ Anh Tài – Phó Tổng giám đốc Saigontourist
- Ông Trần Đoàn Thế Duy – Tổng Giám đốc Vietravel
- Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour
- Ông Lại Minh Duy - Tổng giám đốc Công ty TSTtourist
- Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt
- Ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng Ban truyền thông của Vietnam Airlines
- Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Công ty Vietfoot Travel (Hà Nội)
- Ông Lê Hồng Thái – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist)
- Bà Nguyễn Thị Thơ – Giám đốc Marketing Công ty CP Dịch vụ Thương mại GigaMall Việt Nam
Các đơn vị đồng hành: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Nam Á - Nam Á Bank,Công ty CP Dịch vụ Thương mại GigaMall Việt Nam. Ban Tổ chức chân thành cảm ơn các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ, đồng hành nêu trên.
Nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động – chủ trì tọa đàm.
Ngoài ra, phóng viên, biên tập viên của đông đảo cơ quan báo, đài Trung ương, TP HCM và Hà Nội cùng dự trực tuyến để đưa tin, viết bài về nội dung tọa đàm. Bao gồm: Báo Nhân Dân, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Sài gòn giải phóng, Báo Phụ Nữ TP HCM, Báo Pháp luật TP HCM, Báo Hà Nội mới (đại diện phía Nam), Báo điện tử Chính phủ, Trang tin điện tử Thành Ủy TPHCM; Báo Văn hóa, Tạp chí Du lịch TP HCM, Đài truyền hình TP HCM (HTV), Đài truyền hình Việt Nam (VTV), TTXVN, Báo điện tử Zing, Báo điện tử VietNamNet, Báo điện tử Vnexpress, Báo điện tử Dân Trí.
Hà Giang - điểm đến được yêu thích của khách nước ngoài
Bình luận (0)