Chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM với các tỉnh, thành được triển khai từ năm 2011 được đánh giá là một trong những giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho nông sản, cung ứng nguồn hàng với giá cả ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Lan tỏa sâu rộng
TP HCM có thế mạnh về sản xuất, chế biến; các địa phương có thế mạnh về kinh nghiệm nuôi trồng nông sản, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, đặc sản địa phương.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận 5 năm qua (2016-2020), với nội dung trọng tâm là liên kết xây dựng các chuỗi cung ứng, liên kết bình ổn thị trường, liên kết phát triển mạng lưới phân phối, kết nối cung - cầu…, chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TP HCM và các địa phương Đông - Tây Nam Bộ. Đến nay, chương trình mang đậm dấu ấn và có sức lan tỏa sâu rộng, đặc biệt là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP HCM với các địa phương đã thực hiện trong những năm qua. Những kết quả đạt được một phần nhờ sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương.
Trên cơ sở trao đổi thông tin hai chiều, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền cùng với cơ chế chính sách đầu tư gắn với chương trình bình ổn thị trường TP HCM, thông qua chương trình hợp tác thương mại, các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) TP an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại... xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cả khu vực.
Khách tham quan các gian hàng bên lề hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh, thành năm 2019 Ảnh: TẤN THẠNH
"Khi bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp từ đầu năm 2019, Sở Công Thương TP HCM đã liên tục tiếp nhận thông tin cập nhật tình hình chăn nuôi của các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… từ đó kịp thời có nhiều giải pháp bổ sung nguồn cung như tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh, kích cầu thực phẩm thay thế… góp phần không để giá thịt heo biến động quá cao" - bà Nguyễn Huỳnh Trang nêu dẫn chứng. Bà cho biết từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh cả nước chống dịch Covid-19, TP HCM đã phối hợp nhịp nhàng với các địa phương, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi, liên tục cung cấp tín hiệu thị trường đến các địa phương, kịp thời chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Ngoài ra, qua "bà đỡ" là chương trình, nhiều hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP đã kết nối hợp tác với rất nhiều nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng tốt, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các HTX... góp phần thúc đẩy các DN TP trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phía Nam, đa dạng ngành hàng, mặt hàng, mở rộng thị trường và tiến tới xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, các tỉnh, thành đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TP an tâm đầu tư, liên kết. Đến nay, 28 DN bình ổn thị trường của TP đã đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ với tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm.
Định hướng thị trường và sản xuất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, kể câu chuyện các sở, ngành ở Long An dù rất tích cực vận động nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng hiệu quả thu về rất hạn chế. Đến khi TP HCM đưa ra tiêu chuẩn mua hàng và yêu cầu các tỉnh muốn bán hàng vào TP phải đáp ứng tiêu chuẩn này thì nông dân mới răm rắp thực hiện, điển hình như yêu cầu thịt heo các nơi đưa vào TP HCM tiêu thụ phải truy xuất được nguồn gốc. Từ thực tế này, bà Lệ cho rằng TP HCM đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt thị trường sản xuất nông sản của các tỉnh và đã thực hiện rất tốt vai trò này thông qua các biện pháp tác động từ phía "cầu", từng bước xây dựng tạm gọi là "các tiêu chuẩn" hàng hóa khi đưa vào thị trường TP HCM như: bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về bao bì, sơ chế... đã tác động tích cực, thay đổi hành vi của người sản xuất.
Theo bà Lệ, nhờ tác động từ phía TP HCM, Long An đã xây dựng được 17 chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho các mặt hàng rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thịt bò, thủy sản và đang tiếp tục xây dựng 3 chuỗi cho thanh long, rau, nấm. Nhiều mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ đang được triển khai. Long An luôn ủng hộ và đánh giá cao các biện pháp hợp tác của TP HCM và các tỉnh, thành, Sở Công Thương tỉnh Long An mong muốn TP HCM tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường thông qua việc sớm triển khai Đề án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Không chỉ Long An mà tôi nghĩ các địa phương khác sẽ tích cực phối hợp TP HCM triển khai thực hiện tốt đề án này" - bà Lệ bày tỏ.
Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng mong muốn TP HCM tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành tham gia các kênh phân phối trên địa bàn cũng như hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, việc cung cấp thông tin nhu cầu tiêu thụ của các DN TP HCM, các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm khi tham gia thị trường TP… không chỉ giúp tỉnh định hướng sản xuất mà còn từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra là làm sao để phát huy tối đa tiềm năng của TP HCM và các tỉnh, thành từ chương trình hợp tác thương mại? Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng đến nay, các hệ thống phân phối của TP HCM chưa đầu tư lớn cho hệ thống thu mua, kho hàng tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa nên đôi lúc gây khó khăn cho các DN cung ứng. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu DN đủ mạnh tham gia liên kết để thực hiện vai trò dẫn dắt chuỗi trong khi các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần nhỏ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.
"Thời gian tới, tôi đề nghị tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại, bình ổn thị trường, trao đổi thông tin hai chiều, đồng thời đề nghị TP HCM vận động hệ thống phân phối, DN tham gia hỗ trợ tỉnh thực hiện kết nối theo chiều sâu, theo chuỗi ngành hàng, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ. Song song đó là hợp tác thực hiện chương trình đi vào chiều sâu, hướng đến lợi thế vùng" - bà Thủy kiến nghị.
Hội tụ gần 2.000 đặc sản của 41 tỉnh, thành
Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2020 diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, TP HCM.
Theo ban tổ chức, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của 41 tỉnh, thành (đã bao gồm TP HCM). Đến nay, có 598 DN đăng ký tham gia, trong đó 474 DN của 41 tỉnh, thành đăng ký tham gia với 246 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa; 124 DN TP HCM đăng ký tham gia với 224 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa.
Một trong những điểm mới của hội nghị năm nay là bổ sung phương thức kết nối theo chiều sâu. Ban tổ chức đã bố trí 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị (gồm 10 hệ thống phân phối lớn nhất TP HCM, 1 đơn vị phân phối của An Giang, 1 đơn vị logistics và 2 đơn vị xuất nhập khẩu) để các DN cung ứng tiếp cận, đàm phán chi tiết và giao dịch trực tiếp.
Bình luận (0)