Sáng 18-9, Sở Công Thương TP HCM và Trường Đại học Kinh tế TP tổ chức tọa đàm "Điều kiện sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam".
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết những ý kiến thảo luận tại tọa đàm là cơ sở pháp lý và sự đồng thuận góp phần định hướng những giải pháp khả thi cho đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) giữa TP HCM và các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam" mà lãnh đạo TP HCM giao.
Hầu hết nông sản thực phẩm tiêu thụ ở kênh phân phối truyền thống mới đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học chứ chưa đạt chuẩn VietGAP
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, với hơn 20 triệu dân và có nhiều đô thị lớn. Ước tính mỗi năm cả vùng tiêu thụ đến 1,5 triệu tấn gạo, 500.000 tấn thịt các loại, 800.000 tấn thủy hải sản, 3 triệu tấn rau quả và 1.500 triệu quả trứng. Đây cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn cung ứng nông sản thực phẩm cho các đô thị lớn trong cả vùng.
TS Trần Tiến Khai, thư ký đề án, cho hay TP HCM với hơn 14 triệu cư dân đã cố gắng xây dựng hệ thống bán lẻ, hệ thống doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, chợ đầu mối; xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm nhằm phát triển hệ thống thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và cải thiện quản lý ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về ATTP. "Việc liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm ATTP hết sức bức thiết nhưng trên thực tế, sự liên kết này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, khi quản lý theo địa giới hành chính còn là yếu tố chia cắt chuỗi cung ứng" - TS Khai nêu thực tế.
Nói về sự cần thiết phải có điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng ATTP, đại diện ban đề án cho rằng thực trạng thiếu liên kết trong kiểm soát chất lượng ATTP trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến nhiều khiếm khuyết theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, người tiêu dùng không chắc chắn về mức độ ATTP của nông sản thực phẩm mà họ tiêu thụ; đặc biệt người thu nhập thấp hoàn toàn không có cơ hội chọn lựa thực phẩm an toàn ở hệ thống kênh phân phối truyền thống. Cùng với đó là những tổn thất về môi trường và sức khỏe do sản xuất không bảo đảm ATTP gây ra trong khi hệ thống luật pháp chưa đủ chặt chẽ để buộc người sản xuất phải tuân thủ, các hành vi sản xuất không bảo đảm ATTP cũng chưa được chế tài một cách thích đáng.
"Chỉ có liên kết vùng và có sự đồng thuận giữa các địa phương tiêu thụ và sản xuất mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề bảo đảm ATTP. Các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ đều xem TP HCM là thị trường tiêu thụ trọng điểm và mong muốn được cung cấp hàng hàng hóa cho TP. Một khi TP đã yêu cầu thì bắt buộc người sản xuất phải nhanh chóng tuân thủ để được cung cấp nông sản thực phẩm theo hướng an toàn vào thị trường TP" - đại diện ban đề án cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu đi theo hướng xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc cho nông sản, thực phẩm vào TP HCM, các cơ quan quản lý nhà nước TP cho rằng cần phải xác định chắc chắn cơ sở pháp lý của chính sách. Đại diện Ban Quản lý ATTP TP kỳ vọng đề án có khả năng thực hiện được bởi các quy chuẩn đối với ATTP đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện còn khó. "Quan trọng hơn, Chỉ thị số 17/2020 của Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới đã cho phép TP Hà Nội và TP HCM thí điểm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn cho hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn và xuất khẩu" - đại diện cơ quan quản lý về ATTP TP thông tin.
Bình luận (0)