Sáng nay 29-9, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề: "Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế TP HCM".
Báo cáo về tác động của cuộc chiến thương mại đến nền kinh tế Việt Nam, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá trong ngắn hạn, tác động đến lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa nhiều. Nếu có, chủ yếu tác động ở mặt có lợi. "Khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ vẫn duy trì, không nhập của Trung Quốc, họ sẽ nhập từ nước khác. Theo ghi nhận, đơn hàng dệt may của Việt Nam đang tăng lên. Riêng tháng 8-2018, con số tuyệt đối Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cao nhất từ đầu năm với 2 mặt hàng quan trọng nhất là dệt may và điện tử" – ông Thành chứng minh.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận cần đổi mới quản lý TP trong diễn biến mới - Ảnh: Thuỳ Dương
Tuy nhiên, về dài hạn, nếu khi cuộc chiến tiếp tục leo thang thì tác động đến thương mại Việt Nam sẽ xoay sang khía cạnh tiêu cực nhiều hơn. Ông Thành phân tích: Leo thang chiến tranh thương mại quy mô lớn sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 0,5 điểm %, theo tính toán của một tổ chức quốc tế. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam luôn phụ thuộc vào 2 biến số quan trọng là tỉ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, mà xuất khẩu lại là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong nước.
Về đầu tư, ông Thành lạc quan khi cho rằng có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về Việt Nam. Song, ông cũng lưu ý yếu tố ổn định lâu dài trong thu hút đầu tư. Nếu không, đến thời điểm Mỹ và Trung Quốc dừng cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia bị cho là "dư thừa"?
Ngoài ra, tác động đến chính sách tiền tệ, tỉ giá, thị trường chứng khoán cũng là thách thức cực kỳ lớn.
"Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều. Vì vậy, cần bám sát, nhìn nhận diễn biến với thái độ bình tĩnh để triển khai ứng phó với tinh thần linh hoạt trong ngắn hạn, nhất quán trong dài hạn" - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Về riêng TP HCM, theo TS Võ Trí Thành, với vai trò là đầu tàu cải cách, phát triển kinh tế đất nước, TP phải có sự ứng phó chủ động, linh hoạt, nhạy bén hơn các địa phương khác. "TP HCM có ba vai trò to lớn. Thứ nhất, cùng với cả nước bám sát diễn biến cuộc chiến để giảm thiểu rủi ro, tận dụng được cơ hội. Thứ hai, phải trở thành nơi có cơ chế ứng phó, giảm thiểu rủi ro tốt nhất để lan toả bài học cho cả nước. Cuối cùng, tiếp tục cải cách, bám vào xu thế mới, trở thành hình mẫu của sự phát triển" – ông Thành nêu rõ.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với quan điểm khi đối diện với chiến tranh thương mại, cần ứng xử hài hoà giữa ngắn hạn và dài hạn. "Chỉ căn cứ tình hình ngắn hạn để có quyết định, không căn cứ vào dài hạn thì có thể mâu thuẫn, dự báo ngắn hạn phải gắn với dài hạn nhằm tạo sự ổn định lâu dài cho đất nước" – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ sự chân thành tiếp thu ý kiến TS Võ Trí Thành gửi gắm về ba vai trò của TP HCM và thừa nhận trong bối cảnh chung, phải có các giải pháp đổi mới cách quản lý TP, đầu tư vào đô thị thông minh.
Bình luận (0)