TP HCM dành 1.900 ha quy hoạch cụm công nghiệp nhưng đến nay chỉ mới 2 cụm gồm cụm tiểu thủ công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) phải chuyển về các tỉnh giáp ranh TP để mở nhà xưởng sản xuất.
Chịu không nổi chi phí
Theo Sở Công Thương TP, tình trạng DN chuyển về các tỉnh lân cận đã diễn ra vài năm nay và ngày càng phổ biến. Trong 6 tháng đầu năm 2019, một loạt DN lớn trong ngành thực phẩm thông báo chuyển dịch một phần hoặc gần hết sản xuất về các tỉnh. Điển hình như Công ty CP Uniben, Công ty TNHH MTV Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến, Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty CP Sữa Việt Nam - Nhà máy Sữa Thống Nhất… Trong lĩnh vực ôtô, xe máy, Công ty TNHH Hosihino Việt Nam chuyển một số dây chuyền sản xuất sản phẩm "túi khí an toàn" về tỉnh Bình Dương và sáp nhập với một công ty khác tại TP HCM.
Sự ra đi của các DN này ngay lập tức đã tác động đến tăng trưởng của từng nhóm ngành và chỉ số tăng trưởng chung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của TP: 6 tháng, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ tăng 5,5%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (tăng 9,5%). Nguyên nhân được xác định một phần do sự dịch chuyển đầu tư nhà xưởng sản xuất, một phần do thị trường xuất khẩu khó khăn và chi phí đầu vào tăng làm giảm lợi nhuận của DN.
Một góc Khu Công nghệ cao ở quận 9, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM thừa nhận một số DN muốn mở rộng sản xuất, cần diện tích đất lớn, chi phí rẻ hơn nên đã di dời về tỉnh. Trong khi những tỉnh "sát vách" TP HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… có lợi thế về giá thuê đất và các chính sách ưu đãi khác thì giá thuê đất tại TP HCM lại khá cao, chi phí lao động cũng nhỉnh hơn. "DN chỉ ưu tiên giữ lại các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao nhưng không sử dụng nhiều lao động ở TP; các công đoạn cần nhiều diện tích, sử dụng nhiều lao động được đưa về tỉnh" - vị đại diện này phân tích.
Theo Sở Công Thương TP, DN dịch chuyển TP về các tỉnh vì nhiều lý do, trong đó có lý do giá cả. Giá cho thuê đất tại TP khoảng 100-140 USD/m2 trong khi Long An, Bình Dương, Đồng Nai… giá cho thuê chỉ 60-100 USD/m2 và đầu tư hạ tầng tốt hơn, chi phí xây dựng rẻ hơn tại TP HCM. Ngoài ra, TP chọn thu hút các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, không khuyến khích các ngành nghề thâm dụng lao động và ô nhiễm môi trường.
Báo cáo gần đây nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL) đánh giá các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đang có nhiều lợi thế tăng trưởng bất động sản công nghiệp. Trong đó, Bình Dương sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính hiệu quả nên thu hút lượng lớn DN sản xuất công nghiệp.
Giá thuê đất tại Bình Dương chỉ 80 USD/m2. Tại Đồng Nai, nhu cầu thuê tăng mạnh đã đẩy giá thuê đất công nghiệp lên mặt bằng giá mới với 90 USD/m2, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê đất công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tầm 67 USD/m2 trong khi tại Long An đã bắt đầu vượt ngưỡng 100 USD/m2.
Cần giảm giá thuê đất
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, từ nhiều năm trước, TP quy hoạch quỹ đất dành xây dựng các KCN với diện tích 7.000 ha và cụm công nghiệp 1.900 ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 2 cụm gồm cụm tiểu thủ công nghiệp ở KCN Lê Minh Xuân 17 ha, Nhị Xuân 34 ha hình thành và đi vào hoạt động; hơn 1.800 ha còn lại xen cài trong dân hoặc chưa giải tỏa, làm hạ tầng nên DN không thể thuê để mở nhà xưởng.
Báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TP (Hepza) cho thấy diện tích đất trống tại các KCX-KCN trên địa bàn còn khá ít: Tân Thuận 10 ha, Hiệp Phước 254 ha, Tân Phú Trung 84 ha, Cơ khí ô tô 10 ha, Lê Minh Xuân 3 còn 70 ha và 5.000 m2 nhà xưởng xây sẵn tại KCN Đông Nam. Từ tháng 10-2018 đến nay, Hepza đã cấp phép 42 dự án đầu tư thuộc danh mục "Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2018-2020" theo Quyết định 4544 của UBND TP.
Cũng theo ông Đông, các KCX- KCN, Khu Công nghệ cao TP đã lấp đầy tương đối, không còn đất trống diện tích lớn để "dọn tổ cho đại bàng". "Giờ kiếm đất trống 10-20 ha trong các khu này đã khó thì làm sao có vài chục ha cho DN lớn thuê. UBND TP đã nhìn ra khó khăn và sẽ có tính toán lại quy hoạch" - ông Đông phân trần.
Lãnh đạo Sở Công Thương nói thêm để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, TP cần phải tính toán giảm giá cho thuê đất. "Hiện nay, các công ty cổ phần bỏ tiền đầu tư hạ tầng KCN nên họ phải tính đúng tính đủ, không thể hạ giá cho thuê. Vì vậy, giải pháp là TP phải có chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư hạ tầng để trên cơ sở đó giảm giá cho thuê đất xuống mức phù hợp với khả năng chi trả của DN. Nếu không, khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất của TP sẽ ngày càng giảm, thu ngân sách từ nguồn này ngày càng thấp " - ông Đông nói thêm.
Bố trí quỹ đất cho các lĩnh vực ưu tiên
Theo tìm hiểu của phóng viên, TP HCM đã chuẩn bị quỹ đất để chuẩn bị phát triển một số ngành TP ưu tiên phát triển như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ 4.0, các ngành công nghiệp chủ lực… Theo đó, sẽ có quỹ đất với giá ưu đãi kèm những hỗ trợ khác. Chẳng hạn, đã quy hoạch gần 400 ha tại xã Phạm Văn Hai để xây dựng KCN và vài diện tích tương tự.
Bình luận (0)