Hội thảo "Mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM tổ chức đã diễn ra ngày 3-12 với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính tri, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Giá trị ngành nông nghiệp TP HCM năm 2017 ước đạt 20.000 tỉ đồng, trong đó mô hình kinh tế nông hộ đóng góp trên 77%.
Muốn tồn tại phải liên kết
HTX nông nghiệp đang được khuyến khích phát triển để trở thành mô hình chủ đạo của nông nghiệp TP HCM. Hiện HTX nông nghiệp đóng góp chưa tới 5% giá trị ngành nông nghiệp. Hai mô hình còn lại là doanh nghiệp (DN) nông nghiệp chiếm 15% và kinh tế trang trại 3%, tuy có hiệu quả kinh tế cao nhưng khó nhân rộng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình nông nghiệp tiêu biểu TP HCM
Phát biểu đề dẫn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết lao động trong lĩnh vực nông nghiệp TP HCM giảm liên tục từ năm 2000 với 140.000 lao động xuống còn hơn 43.000 vào năm 2016 và dự báo tiếp tục giảm. Bài toán đặt ra là mô hình nào cho nông nghiệp TP HCM trong thời gian tới để những ai còn làm nông thì có thể sống được. Nếu tiếp tục duy trì kinh tế nông hộ, mỗi hộ chưa tới 2 lao động như hiện nay thì không thể chống chọi với cạnh tranh nông sản toàn cầu, biến đổi khí hậu. Nông dân muốn tồn tại phải tham gia HTX để nắm được thị trường, xây dựng thương hiệu, được tiếp cận vốn vay, được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, TP có 41 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 15% hộ nông dân tham gia và thu nhập của xã viên cao hơn sản xuất độc lập. Khảo sát trên lĩnh vực sản xuất rau an toàn, nông hộ tham gia HTX đạt lợi nhuận cao hơn bên ngoài 35% nhờ được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Đối với nuôi bò sữa, nông dân tham gia HTX cũng có thu nhập khá nhờ năng suất và giá bán cao hơn do được thường xuyên hướng dẫn quy trình nuôi mới. Do đó, định hướng trong thời gian tới của TP là giảm dần số hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, HTX; vận động các trang trại (nông hộ có quy mô lớn) làm nòng cốt thành lập HTX mới, phát triển bình quân 4 HTX/năm. Một số giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra là thu hút người tài về làm quản lý HTX, hỗ trợ tín dụng,…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận thị trường có vai trò quyết định sự phát triển của HTX. Trước đây, khi các siêu thị tìm nguồn hàng rau quả đã nêu rõ không mua riêng lẻ từng hộ mà chỉ mua qua HTX, từ đó hình thành nhiều HTX hoạt động hiệu quả cho đến ngày nay. TP HCM có lợi thế lớn là nông sản được phân phối qua 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) chiếm trên 85% tổng sản lượng tiêu thụ. Khi 3 chợ này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc thì sản xuất phải thay đổi. Dự định, cuối năm 2018, TP HCM sẽ có sàn giao dịch thịt heo dành cho các HTX, DN cung cấp thịt heo VietGAP, GlobalGAP nên nông dân muốn bán được hàng phải liên kết sản xuất.
Xóa định kiến về HTX
Theo TS Võ Thị Kim Sa, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, xu hướng nông dân tham gia HTX là tất yếu nhưng thời gian qua, mô hình này không phát triển như kỳ vọng. "Phân tích các HTX nông nghiệp tại TP HCM cho thấy mức vốn góp cao, bình quân 115 triệu đồng/thành viên. Tuy nhiên, mức góp vốn cao thì cánh cửa cho nhiều nông dân tham gia ngày càng hẹp. Ngoài ra, việc vận hành HTX hiện nay chưa thực sự minh bạch, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ để nông dân mạnh dạn, tin tưởng và tham gia HTX" - TS Sa nhận xét.
Một trong những nguyên nhân khiến HTX không thu hút được nông dân, theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trải qua thời bao cấp, nông dân có định kiến không tốt về HTX. Họ không coi HTX là một nơi hỗ trợ nông dân mà là một tổ chức để tập thể hóa tài sản của xã viên như ruộng đất, máy móc, thiết bị… Gần đây, một số HTX lập ra không dựa vào lợi ích kinh tế mà làm theo phong trào nhằm đáp ứng chuẩn nông thôn mới, hoạt động không hiệu quả dẫn đến phá sản. Do đó, cần tuyên truyền để nông dân hiểu được việc tham gia HTX là có lợi. Những lợi ích dễ thấy như mua vật tư đầu vào giá thấp hơn, có thông tin thị trường, đầu ra ổn định...
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi đánh giá HTX là mô hình phù hợp trong kinh tế thị trường, nhiều HTX nông nghiệp thành công ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Tính đến tháng 10-2016, trên thế giới có 2,4 triệu HTX với hơn 1 tỉ thành viên, 300 HTX lớn nhất thế giới có tổng doanh thu trên 2.500 tỉ USD. Liên minh HTX Quốc tế đưa ra mục tiêu cuối năm 2030 có 4 triệu HTX với 2 tỉ thành viên, đóng góp 20% kinh tế toàn cầu.
HTX xây dựng chuỗi cung ứng thịt
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi), cho biết đang có kế hoạch phân phối thịt và sản phẩm chế biến ra thị trường vào giữa tháng này với sản lượng khoảng 200 con/ngày.
Hiện các xã viên của HTX Tiên Phong đã có chứng nhận chăn nuôi VietGAP, việc tiêu thụ sản phẩm dễ hơn nông dân nuôi nhỏ lẻ bên ngoài nhưng chủ yếu bán heo giống và heo hơi, người tiêu dùng khi mua thịt của HTX chưa thể nhận biết sản phẩm an toàn do hạn chế về bao bì. Sắp tới, HTX sẽ đứng ra thu mua heo của xã viên và tổ chức giết mổ tại lò mổ đạt chuẩn, sau đó phân phối thịt đóng gói cho các điểm bán hàng tiện lợi, thịt mảnh ở thị trường truyền thống.
Bình luận (0)