Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về sự việc Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ và công bố sản phẩm xúc xích của Vietfoods do nghi “có vấn đề” nhưng kết quả của ngành y tế khẳng định ngược lại?
- Ông Lê Mạnh Hà:
Khi xử lý vấn đề liên quan đến “sinh mệnh” của doanh nghiệp (DN), cần hết sức thận trọng. Trường hợp Vietfoods nằm trong 2 điểm nhạy cảm nhất hiện nay: an toàn thực phẩm và thông tin không chuẩn xác trên truyền thông.
Thực phẩm không an toàn đang là vấn đề nhức nhối. Người tiêu dùng sẽ quay lưng ngay với sản phẩm có thông tin là không an toàn, thậm chí thông tin đó chưa được kiểm chứng. Cần kiểm tra lại xem Đội 14 QLTT Hà Nội có quyền đưa thực phẩm đi xét nghiệm không. Cơ quan có thẩm quyền sẽ kết luận nhưng theo hiểu biết của tôi thì QLTT không có quyền này.
DN chỉ được coi là vi phạm quy định của pháp luật sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Vietfoods chưa bị xử phạt thì chưa thể coi là vi phạm nên QLTT Hà Nội công bố thông tin sản phẩm của DN có chứa chất cấm là quá vội vàng.
Vấn đề nữa là Đội 14 QLTT Hà Nội có quyền công bố thông tin về DN vi phạm hay không? Theo hiểu biết của tôi, Đội 14 cũng không có thẩm quyền này.
Không có thẩm quyền đưa thực phẩm đi xét nghiệm, không có quyền công bố thông tin nhưng lại cung cấp rộng rãi cho báo chí gây thiệt hại nặng đối với DN là lỗi rất lớn.
Thưa ông, trong trường hợp này, Vietfoods có thể khởi kiện cơ quan chức năng để đòi lại công bằng và đền bù thiệt hại?
- Vietfoods có quyền này nhưng thiệt hại là quá rõ rồi, khó có thể bù đắp được.
Có một công cụ nữa để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trường hợp của Vietfoods. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê, tổng hợp các tin, bài báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của DN gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ. Báo chí đã phản ánh rất nhiều về vụ này, DN nên đề nghị bộ làm đúng nhiệm vụ được giao, dùng sức mạnh của truyền thông để tự vệ trước sự tấn công của thông tin chưa chuẩn xác.
Chi cục QLTT và Sở Công Thương TP Hà Nội cần vào cuộc ngay để xác định xem cấp dưới của mình làm việc có đúng không và trả lại công bằng cho DN, không nên chờ họ khiếu nại rồi mới giải quyết. Việc đầu tiên mà các cơ quan này cần làm là tổ chức họp báo theo đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Công bố xúc xích chứa chất gây ung thư là vội vàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế - khẳng định: “Mọi nội dung Chi cục QLTT Hà Nội gửi, chúng tôi đã có văn bản trả lời tất cả nên không thể nói kết luận của Cục ATTP là chưa đầy đủ. Nếu chưa đủ, Chi cục QLTT Hà Nội có thể tiếp tục gửi văn bản yêu cầu bổ sung. Thế nhưng, đến thời điểm này, chúng tôi mới chỉ nhận được một văn bản và đã trả lời”.
Theo ông Phong, quan điểm của cục là không phán xét cơ quan QLTT đúng hay sai vì có thể việc thu giữ 2,2 tấn xúc xích còn có những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, chưa xác định được vi phạm, chất này có phải là chất gây ung thư hay không, sản phẩm có an toàn hay không mà đã công bố xúc xích chứa chất gây ung thư là không phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Bởi theo quy định về xử lý vi phạm hành chính, chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đã xác định được lỗi và có quyết định xử phạt hành chính. “Việc thanh, kiểm tra để tìm ra những sai phạm về an toàn thực phẩm của các DN là tốt nhưng phải bảo đảm tuân thủ đúng trình tự pháp luật” - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết trước đó, hội đồng chuyên môn của Cục ATTP đã thống nhất kết luận với hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55 mg/kg là an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia... Công ty Vietfoods đã làm theo đúng quy định của giấy xác nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương cấp (có cho phép công ty sử dụng chất sodium nitrate - E 251). Công ty cũng thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chuẩn đã công bố, trong đó có chất sodium nitrate - E 251. Xúc xích do Vietfoods sản xuất có hàm lượng sodium nitrate - E 251 dưới 100 mg/kg (theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) so với tiêu chuẩn quốc tế cũng đều là an toàn. “Chất sodium nitrate -
E 251 không phải là chất cấm, không phải là chất gây ung thư và các quốc gia thuộc châu Âu, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia… đều cho phép sản phẩm xúc xích có chất sodium nitrate - E 251” - ông Phong nhấn mạnh.N.Dung ghi
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan):
Ảnh hưởng lớn tới hàng Việt
Là DN trong ngành, tôi chia sẻ với sự cố mà Vietfoods đang gặp phải do cách hành xử của cơ quan quản lý. Sau thông tin trên, sản lượng, doanh số mặt hàng xúc xích nói chung là thực phẩm chế biến sụt giảm 20%-30% là điều dễ thấy. Nhưng ảnh hưởng lớn hơn là niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt, vào sản phẩm có sự đầu tư bài bản như Vietfoods và các DN Việt chế biến khác. Đối với chất ổn định sodium nitrat (E 251) có trong xúc xích Vietfoods còn thấp hơn rất nhiều xúc xích cùng loại nhập khẩu từ Mỹ, Singapore… là một sự tổn thương đối với nhà sản xuất.
Trong vụ việc này, nhà nước nên dũng cảm giải quyết một cách rạch ròi, công bằng để lấy lại niềm tin của cộng đồng DN, nhất là DN Việt, để họ yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài.
Ông Đặng Văn Thiệp, Giám đốc kinh doanh Công ty Behn Meyer Việt Nam (cung cấp phụ gia thực phẩm chế biến thịt):
Hiểu chưa đúng về phụ gia
Phụ gia là chất không thể thiếu trong chế biến thực phẩm nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người chưa hiểu. Ngay cả nhiều nhà quản lý chưa hiểu đã đưa ra những phát ngôn lạnh lùng, thiếu căn cứ như “nguy cơ gây ung thư”. Phát ngôn như vậy có thể giết chết DN trong khi các nước tiên tiến trên thế giới vẫn cho sử dụng.
Phần lớn phụ gia hiện tại ở Việt Nam là hàng nhập khẩu, nơi có nền chế biến thực phẩm đi trước Việt Nam cả trăm năm nên hầu hết đều an toàn. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có thêm đặc điểm là giá bán sản phẩm cuối cùng rất thấp nên chi phí dành cho phụ gia không thể quá cao. Trong khi đó, quản lý phụ gia Việt Nam rất nhiêu khê, nhiều chất thế giới cho xài nhưng Việt Nam chưa cập nhật vào danh mục thì DN không thể nhập về để bán ra thị trường. Ng.Ánh ghi
Bình luận (0)