Đang trong chương trình vận động chuyển đổi của TP HCM nên các hộ kinh doanh được quận - huyện, sở - ngành hỗ trợ tối đa trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Tại nhiều địa phương, chủ hộ kinh doanh không cần trực tiếp làm thủ tục lập công ty mà được cán bộ phòng kinh tế làm thay nhưng nhiều hộ vẫn... làm ngơ.
Vì lợi ích trước mắt
Đã từng mở công ty rồi xin giải thể để trở lại hộ kinh doanh, ông S. - chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm ở quận Thủ Đức - cho biết hộ kinh doanh giúp ông giảm chi phí, giá thành nên hàng hóa tiêu thụ tốt hơn. Do chưa có pháp nhân nên vừa rồi, cơ sở ông phải thông qua một công ty trung gian để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Dù vậy, ông S. vẫn chưa tính tới chuyện lên doanh nghiệp (DN) một lần nữa.
"Nếu quy mô làm ăn không quá lớn thì hộ kinh doanh có lợi hơn do đóng thuế khoán, không bị mất thời gian cho các thủ tục liên quan đến thuế, dành thời gian lo sản xuất. Cuối năm, cũng không bị các hội đoàn "xin" đóng góp, ủng hộ các khoản" - ông S. bộc bạch.
Hộ kinh doanh ở TP HCM đang được khuyến khích, hỗ trợ chuyển thành doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh
Theo chị Nguyễn Thị S. - chủ một cửa hàng ở quận Bình Tân - phường đã vận động lên DN nhưng chị chưa nhận lời vì lâu nay quen với cách tính thuế khoán, không phải xuất hóa đơn, chứng từ, báo cáo thuế... Cơ sở của chị chủ yếu kinh doanh gạo, thực phẩm và không có ý định phát triển trong giai đoạn này nên chưa cần thiết lập công ty. "Chúng tôi muốn kinh doanh thuận lợi, đơn giản và không muốn phát sinh thêm nhân sự, chi phí nên tốt nhất là không thay đổi..." - chị S. tâm sự.
Đang băn khoăn việc chuyển đổi hay không chuyển đổi thành DN, anh H. - chủ một cơ sở nhựa ở quận Tân Phú - thừa nhận mấy năm qua, anh bỏ lỡ nhiều hợp đồng làm ăn do không có đủ pháp nhân để giao dịch theo yêu cầu của khách hàng. Lĩnh vực anh đang hoạt động hiện có nhiều cơ hội làm ăn, cần vốn để đầu tư mở rộng, lập công ty để giao dịch với đối tác.
Tuy nhiên, cơ sở anh chưa đủ điều kiện để được cấp phép thành lập công ty. Hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh thì thuế mỗi năm mỗi tăng, có khi tăng nhiều đến mức anh phải giải thể cơ sở, nhờ người khác đứng tên xin mở cơ sở mới để được miễn giảm thuế trong thời gian đầu.
Khó ít, lợi nhiều
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Chi cục Thuế quận Bình Tân nhìn nhận một số hộ kinh doanh quy mô lớn có ý định mở rộng hoạt động thường chủ động tìm hiểu thủ tục, nhờ hỗ trợ lập công ty. Tuy nhiên, số hộ thuộc dạng này rất ít, phần lớn là không có ý định lên DN dù đã được hướng dẫn chi tiết những lợi ích của việc lập công ty.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, lý do quan trọng nhất khiến các hộ kinh doanh không muốn lên DN là do họ chưa nhận thức được những quyền lợi được hưởng. Chế độ kế toán hiện áp dụng chung cho các loại DN nên DN "siêu nhỏ" vẫn phải duy trì báo cáo kế toán, quyết toán thuế... như DN lớn hơn.
Do đó, vẫn quy mô kinh doanh, thu nhập và số lao động như trước nhưng lên DN phải tuân thủ hàng loạt thủ tục về thuế, kế toán, chính sách lao động, bảo hiểm... và có khả năng bị kiểm toán, truy thu thuế nếu kê khai sai, trong khi hộ kinh doanh đóng thuế khoán là xong. Ngoài ra, gánh nặng thanh - kiểm tra, thủ tục hành chính... cũng khiến chủ sở hữu mệt mỏi sau khi lập công ty. Không ít hộ sau khi "lên" DN được một thời gian thì xin giải thể, quay lại mô hình hộ kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng một trong những khó khăn khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN là do chính sách thuế và quản lý thuế chưa phù hợp. Hiện các hộ kinh doanh nộp thuế GTGT theo tỉ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng, việc xác định doanh thu khoán do xây dựng chưa chính xác và quản lý chưa tốt nên còn chênh lệch với doanh thu thực tế của các hộ.
Vì vậy, nhiều trường hợp nộp thuế khoán thấp hơn nộp theo kê khai, gây tâm lý không muốn chuyển đổi lên DN vì sợ thuế cao. Ngoài ra, chính sách thuế hiện hành chưa đồng bộ và minh bạch trong việc xác định thuế GTGT được khấu trừ, chi phí hợp lý, hợp lệ được chấp nhận khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập DN. Trong khi đó, hiện cơ quan quản lý chưa có chính sách khuyến khích thuế đối với DN khởi nghiệp, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên.
Theo bà Cúc, các hộ kinh doanh mới chuyển lên DN sẽ gặp khó khăn về nhân lực có trình độ kế toán và công nghệ thông tin. "Khi lên DN, có thể gánh nặng chi phí sẽ tăng nhưng hộ kinh doanh chưa thấy được lợi ích mang lại. Do đó, quá trình chuyển đổi cần đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng thuyết phục để hộ kinh doanh tự nguyện chứ không thể bắt ép, phải để họ thấy được lợi ích khi chuyển đổi mô hình hoạt động" - bà Cúc phân tích.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-5
Cơ hội làm ăn với những công ty lớn
Nhìn lại việc lập công ty từ năm 2010 của mình, bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty TNHH - DV - TM- SX Trí Đức (chuyên sản xuất các loại mứt, hạt), thừa nhận đó là quyết định đúng. Với thâm niên hơn 10 năm làm cơ sở sản xuất thực phẩm nhưng bà Ái rất sợ lập công ty vì sổ sách sẽ phức tạp hơn nhiều. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, mọi việc lại rất suôn sẻ nhờ công ty làm ăn minh bạch, sổ sách rõ ràng và quan trọng nhất là nhờ có pháp nhân, Công ty Trí Đức đã ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty lớn. Từ kinh nghiệm của mình, bà Ái cho rằng những cơ sở có định hướng phát triển thì nên mạnh dạn lên DN.
"Công ty có cái lợi là làm ăn có lãi mới đóng thuế, lỗ thì được miễn. Ngoài ra, còn được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn; giao dịch với đối tác cũng thuận lợi hơn. Công ty có quyền từ chối các đoàn kiểm tra nếu họ không có quyết định, trong khi hộ kinh doanh có thể bị quấy rầy bất cứ lúc nào" - bà Ái so sánh.
Bình luận (0)