Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ/UBTVQH15 về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Doanh nghiệp đủ điều kiện giảm thuế phải có doanh thu không quá 200 tỉ đồng trong cả năm 2021, và mức doanh thu này không được cao hơn doanh thu cả năm 2019, là năm chưa chịu tác động từ đại dịch Covid-19.
Bên hành lang Quốc hội, đánh giá về chính sách giảm thuế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, khi giảm thuế, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn này, nếu có thêm phần vốn là vô cùng quan trọng để phục hồi cho tương lai.
ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
"Nghị quyết miễn thuế, giảm thuế cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là chủ trương đúng và kịp thời. Khi triển khai chính sách này, Chính phủ cần rà soát và có đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng đối tượng được hưởng chính sách hay không"- đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.
Vị đại biểu đoàn TP Hà Nội lưu ý tránh tình trạng các doanh nghiệp đang có các điều kiện phục hồi tốt, có khả năng phát triển trong đại dịch, hoặc có thể không phải là đang sản xuất kinh doanh, không tạo ra sản phẩm, nhưng lại sử dụng các thủ thuật, hành chính giấy tờ để được giãn, miễn thuế, trục lợi.
Cho rằng đối tượng triển khai của Nghị quyết khá rộng, đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cho biết Nghị quyết bao phủ các nhóm dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…
Đại biểu Đinh Ngọc Quý kiến nghị các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với chính sách quan trọng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III/2021 giảm mạnh.
Việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết. Do đó, theo ông Nguyễn Phú Cường, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động...
Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định 4 nhóm giải pháp hỗ trợ:
Thứ nhất là, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Thứ hai là, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Thứ ba là, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-12-2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau: Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm 2 không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Thứ tư là, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc thực hiện 4 giải pháp như trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng gần 20 ngàn tỉ đồng.
Bình luận (0)