Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch rõ nét khi xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng 56,8%. Các thị trường tiềm năng lớn khác như: Brazil tăng 70,4%; Mexico tăng 38,8%, Ảrập Xêut tăng 13,8%.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm 24,3%; EU giảm 21,5%; ASEAN giảm 10,8%; Colombia giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Đúng như dự đoán, Trung Quốc vươn lên thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 40 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. VASEP cũng cảnh báo các DN xuất khẩu vẫn nên cần thận trọng hơn khi giao dịch tiểu ngạch với thị trường này.
Riêng thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang đây đạt 61 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 15 DN cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 2-3 DN xuất khẩu chính và thường xuyên sang thị trường này.
Sau năm 2016, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng nhưng kể từ đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm vẫn do 2 lý do chính là thuế chống bán phá giá cao và hàng rào kỹ thuật.
Trong tháng 4, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng so với tháng trước, hiện ở mức 27.000 – 29.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/tấn.
“Xuất khẩu cá tra sang Mỹ, EU giảm sút, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng lên, cá tra đang có giá khi đó nếu họ tìm được sản phẩm thay thế thì chắc chắn Trung Quốc sẽ ngưng mua. Lúc đó, giá cá tra sẽ xuống ngay lập tức” - TS Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cảnh báo.
Bình luận (0)