Trao đổi tại 2 cuộc hội thảo về công nghiệp hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy cơ hội liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử trong khuôn khổ "Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018" do UBND
TP HCM chủ trì, Sở Công Thương TP phối hợp một số đơn vị tổ chức (diễn ra 2 ngày 13 và 14-3), các chuyên gia cho biết dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất lớn.
Nguồn cung trong nước thiếu trầm trọng
Dẫn chứng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam đang đạt 300.000 xe, tăng trưởng nhanh trong 5 năm qua với mức tăng 24%, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương (VIOIT) - Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam không chỉ có lợi thế về tiêu thụ nội địa mà còn có lợi thế về địa lý và lao động nên nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư vào để xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam có hơn 20 DN lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 DN cung ứng cấp 1 và 145 DN cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 DN lắp ráp ô tô nhưng có đến 690 DN cung ứng cấp 1 và 1.700 DN cung ứng cấp 2, 3. "Chỉ cần nhìn vào số lượng DN đã đủ thấy Việt Nam thiếu hụt nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đến mức nào" - bà Thúy nhận xét.
Công nhân đang lắp ráp các linh kiện ô tô tại Nhà máy Ford Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Trong lĩnh vực điện - điện tử, số liệu thống kê cho thấy từ năm 2005 đến nay, DN cung ứng sản phẩm phụ trợ đã tăng từ 256 DN lên hơn 1.000 DN. Dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn cho xuất khẩu nhưng thực tế ngành điện - điện tử Việt Nam vẫn đang dừng lại ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu toàn ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin nhưng giá trị được nắm giữ chủ yếu là DN FDI. Các DN trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện dịch vụ thương mại.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ (VASI), dẫn một khảo sát của VASI về khả năng cung ứng linh kiện công nghiệp hỗ trợ như nhựa, cao su, điện - điện tử cho thấy tỉ lệ linh kiện công nghiệp hỗ trợ nhập khẩu lên đến hơn 90%. Riêng với linh kiện điện - điện tử, tỉ lệ này lên đến 94%, thậm chí có những dòng linh kiện nhập khẩu đến 100%. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức của các DN.
Tiềm năng rất lớn
Lý giải nguyên nhân tỉ lệ DN Việt tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ còn thấp, ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, cho rằng năng lực nội tại của DN nội chưa đáp ứng yêu cầu, thiết bị công nghệ, quản trị, nhân lực, hệ thống kiểm soát... DN nước ngoài chưa thực sự gắn kết với DN cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước. Họ thường sử dụng nhà cung ứng trong chuỗi vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh. Vì vậy, bài toán này không phải 1 năm mà nhiều năm mới có thể đạt được.
"Muốn trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài, DN Việt tăng cường quản trị nội bộ, đầu tư hệ thống kiểm soát, đặc biệt là phải tự tính toán đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, DN cần phải được tiếp cận nhu cầu của DN FDI, chất lượng mà họ yêu cầu DN nội địa. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải tạo hành lang pháp lý, định hướng xu hướng và lộ trình phát triển, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn để DN phấn đấu đạt được. Công khai danh sách và tiêu chuẩn để DN tham gia vào hệ thống cung ứng" - ông Nguyễn Dương Hiệu góp ý.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, các DN ngoại, đặc biệt là Samsung, khi chọn nhà cung cấp luôn đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, giá, giao hàng, môi trường, tài chính, công nghệ, trách nhiệm, luật. Trong khi đó, rất ít DN công nghiệp hỗ trợ trong nước áp dụng các tiêu chuẩn này hoặc chỉ làm để đối phó nên không được chọn.
Mặc dù vậy, bà Bình cho biết rất nhiều DN sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng ở Việt Nam. "Chúng tôi tiếp rất nhiều DN muốn tìm cơ hội hợp tác mua hàng, chúng tôi nói rõ là Việt Nam chỉ có 200-300 DN làm phụ tùng, linh kiện điện tử tốt có thể xuất khẩu được nhưng họ vẫn muốn tìm đối tác. Họ đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng, nghĩa là cơ hội chúng ta có thể tham gia rất nhiều nếu chúng ta nỗ lực" - bà Bình nói.
Doanh nghiệp thiếu hợp tác
Từ năm 2016, TP HCM đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng để có thể phát triển, cần thiết phải có sự phối hợp giữa TP với các tỉnh, thành. Hiện TP HCM có 1.200 DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ, vẫn còn khiêm tốn so với hơn 300.000 DN trên địa bàn. Năng lực cung ứng của các DN cũng hạn chế, chủ yếu là DN cung ứng cấp 3 và 4 cho DN đầu cuối. Việc DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối giữa DN FDI và DN công nghiệp hỗ trợ là cần thiết nhưng thực tế việc triển khai rất khó vì họ rất ngại cung cấp thông tin.
Theo ông Đông, hơn 1 năm nay, Sở Công Thương triển khai việc xây dựng dữ liệu phải chủ động "xin" thông tin từ DN nhưng chỉ mới thu thập được hơn 500 DN. DN cũng thờ ơ, cung cấp không đầy đủ thông tin chi tiết, các sản phẩm cụ thể của từng DN. Trong khi đó, tại nhiều cuộc hội thảo thì DN phản ánh thiếu sự hỗ trợ, đến khi có hỗ trợ thì thờ ơ, nhiều khi phải " năn nỉ" DN xin thông tin.
Bình luận (0)