Ngày 13-7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức cuộc họp lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Một vấn đề vẫn tranh luận không dứt suốt nhiều lần góp ý dự thảo là việc quản lý và áp các điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe của Grab.
Phải quản Grab như taxi?
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun), dẫn chứng năm 2014-2015, tại TP HCM có gần 4.000 xe của Grab hoạt động, đến hết năm 2017 tăng lên 18.000 xe và tới tháng 3-2018 là 34.000 xe. "Họ khuyến mại mỗi ngày hơn 2 tỉ đồng, trong khi báo kinh doanh lỗ. Vậy rõ ràng là chèn ép, muốn tiêu diệt doanh nhiệp (DN) khác" - vị đại diện Taxi Vinasun nói.
Đại diện hiệp hội taxi TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đều thống nhất rằng xe dưới 9 chỗ đa phần là taxi và chịu sự quản lý giống như taxi. Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết dự thảo đưa ra 3 loại hình sử dụng phần mềm điện tử (gồm xe taxi điện tử, hợp đồng điện tử và du lịch điện tử) nhưng không có quy định thuyết phục để phân định rõ 3 loại hình này, trong khi phải chịu điều kiện kinh doanh khác nhau. Điều này dẫn đến chồng lấn, tạo sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh, gây khó xử lý vi phạm.
Cũng theo ông Long, thực tế có hàng ngàn xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm kết nối nhưng không có nhận diện thương hiệu, không chấp hành điều kiện vận tải cũng như nghĩa vụ thuế so với taxi truyền thống, chính điều này gây ra sự bất bình của DN taxi.
"Xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đều phải quy định là taxi và chịu chung quy định quản lý" - ông Long nói và đề nghị các công ty công nghệ kinh doanh vận tải phải đặt máy chủ tại Việt Nam, dữ liệu có kết nối chịu sự giám sát của Bộ GTVT và các sở GTVT tương tự như hộp đen.
"Taxi công nghệ phải gắn mào (hộp đèn) tránh tình trạng DN lách luật, đồng thời Bộ GTVT cần chỉ đạo Grab dừng hoạt động tại các địa phương chưa được phép thí điểm" - ông Long kiến nghị.
Đại diện Grab có mặt tại cuộc họp cho rằng việc dự thảo nghị định định nghĩa kinh doanh vận tải gồm cả đơn vị cung cấp phần mềm kết nối là chưa hợp lý, đi ngược xu hướng thế giới dẫn tới chồng chéo trong thực hiện nghĩa vụ giữa đơn vị phần mềm và kinh doanh vận tải.
Ở một góc nhìn khác, đại diện Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét lại việc dự thảo xem đơn vị cung cấp phần mềm đặt xe là đơn vị kinh doanh vận tải, coi DN công nghệ giống như taxi truyền thống, nếu không sẽ triệt tiêu sáng tạo của DN muốn tham gia thị trường.
"Nên chăng, Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải taxi truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến họ chùn bước và không tham gia vào kinh doanh vận tải" - đại diện CIEM nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu buộc DN công nghệ chịu toàn bộ điều kiện của kinh doanh vận tải là "không hợp lý, thêm gánh nặng cho DN và thiệt hại cho người tiêu dùng".
Đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị: "Các anh taxi truyền thống giờ phải cải tiến, đưa công nghệ vào. Không thể nói là không cho công nghệ vào để bảo vệ taxi truyền thống, như thế không được, không bao giờ được. Cuộc sống vẫn diễn ra và chúng ta không thể cấm được".
Taxi truyền thống hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội
Không thể hài lòng tất cả
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết còn khoảng 10 ngày nữa cơ quan này sẽ phải trình Thủ tướng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Do đó, đây có thể xem là cuộc họp mở rộng cuối cùng bàn về dự thảo này trước khi trình Thủ tướng.
Dù Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm nhưng bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá bên cạnh mặt tích cực, qua thời gian, loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống. Ranh giới giữa công nghệ và vận tải, xe hợp đồng và xe taxi rất mong manh, tạo nên các vấn đề rất bức xúc nên nghị định mới phải điều chỉnh, để tất cả cùng phát triển.
"Bản chất của hoạt động loại hình Grab giống taxi truyền thống, đều là kinh doanh vận tải, do đó phải có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng" - ông Thể nói, đồng thời lưu ý rằng taxi truyền thống phải ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả kinh doanh, tăng cường quản lý nội bộ. Taxi truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ bị đào thải.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, một văn bản ban hành không bao giờ thỏa mãn 100% đối tượng vì trong kinh doanh vận tải có sự canh tranh. Hiện Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ sửa Luật Giao thông đường bộ trong nhiệm kỳ này. Dù biết còn nhiều quy định hiện nay chưa như ý nhưng "vì nếu sửa như ý sẽ trái luật". Do đó, ông Thể giao các đơn vị tiếp thu đa số ý kiến hợp lý và tuân thủ quy định của pháp luật, không được làm trái luật, đồng thời cho rằng quan điểm sửa đổi lần này phải giảm bớt các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, bỏ những nội dung không cần thiết để tạo điều kiện cho DN.
Grab sẽ là taxi công nghệ
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP mới nhất, Bộ GTVT sửa đổi lại định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng ôtô. Theo đó, bổ sung thêm kinh doanh các công đoạn vận tải như quyết định giá cước vận tải (kể cả thực hiện công đoạn này thông qua phần mềm). Với định nghĩa này, Grab đương nhiên sẽ là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Dự thảo cũng quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có 2 loại: Taxi tính tiền thông qua đồng hồ trên xe và taxi tính tiền thông qua phần mềm. Taxi công nghệ phải gắn phù hiệu "taxi" trên kính xe; gắn hộp đèn (mào) chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" cố định trên nóc xe.
Bình luận (0)