Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết 6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn TP khoảng 1,32% nhưng tín dụng ngoại tệ tăng tới 9%. Ngược lại, huy động ngoại tệ trong cùng thời gian lại giảm hơn 7,3%. Trong báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết tính đến tháng 5, cho vay bằng ngoại tệ tăng 7% so với đầu năm nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ lại giảm 5,5%.
Thích vay vì lãi suất thấp
Theo thống kê của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tổng huy động và cho vay bằng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm đạt lần lượt 170.000 tỉ đồng và hơn 164.000 tỉ đồng. Tỉ lệ cho vay/huy động tăng đạt 94%, cao hơn nhiều thời điểm cuối năm ngoái. Tín dụng ngoại tệ chiếm khoảng 17% tổng dư nợ.
Theo nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, tùy vào từng giai đoạn tỉ giá ổn định hay biến động sẽ tác động đến nhu cầu vay USD của DN. Từ đầu năm đến nay, NH Nhà nước tuyên bố không điều chỉnh tỉ giá quá 2% giúp những DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ yên tâm vay USD. Giám đốc một công ty xuất khẩu gỗ tại Bình Dương cho biết đang có khoản vay ngoại tệ với lãi suất 4,5%/năm tại NH, thấp bằng một nửa so với lãi suất vay tiền đồng. “Với DN có nguồn thu từ ngoại tệ, vay USD không chỉ lợi về dòng vốn rẻ mà còn có thể dùng tiền đồng gửi NH với lãi suất 6%-7%/năm rồi cầm cố sổ tiết kiệm, vay USD với lãi suất 4%-5%/năm để hưởng chênh lệch” - vị này nói.
Về việc DN thích vay ngoại tệ hơn tiền đồng, ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải do tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định, được kiểm soát tốt thời gian qua giúp thị trường yên tâm, DN có định hướng. Lãi suất vay USD hiện chỉ khoảng 3%-5%/năm, thấp hơn nhiều so với vay bằng tiền đồng 7%-10%/năm nên DN cũng mạnh dạn vay để giảm bớt chi phí tài chính.
“Việc một số DN chuyển hóa vốn vay USD thành tiền đồng để kinh doanh, hưởng chênh lệch lãi suất là có nhưng không nhiều. NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM đang yêu cầu các NH thương mại báo cáo, thống kê cụ thể để có giải pháp xử lý. Quan trọng là các NH thương mại phải tập trung cho vay USD đúng đối tượng. Dù vậy, việc tín dụng ngoại tệ tăng 9% trong 6 tháng đầu năm trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay là hợp lý” - ông Minh đánh giá.
Lo tiền gửi ngoại tệ giảm
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định. Tỉ lệ cho vay/tiền gửi tăng từ mức 84,3% hồi cuối năm ngoái lên đến 95,5% trong tháng 5 vừa qua. Lãi suất USD trên thị trường liên NH có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% lên khoảng 0,4%/năm. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tín dụng ngoại tệ tăng là biểu hiện cho thấy DN tin tưởng vay USD sẽ tiết kiệm chi phí nhiều hơn mà không quá rủi ro về tỉ giá tăng.
Để kiểm soát tín dụng ngoại tệ, bên cạnh việc yêu cầu DN vay phải có nguồn thu ngoại tệ đáp ứng nhu cầu trả nợ, NH Nhà nước chỉ cho phép 4 nhóm đối tượng trong Thông tư 29 (tháng 12-2013) được vay USD. Cụ thể, DN vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có nguồn thu từ ngoại tệ; vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; vay ngắn hạn để nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức; vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu qua biên giới…
“Riêng 2 nhóm DN vay để nhập khẩu xăng dầu và sản xuất hàng xuất khẩu qua biên giới, Thông tư 29 chỉ áp dụng đến hết năm 2014. Khi đó, đối tượng vay ngoại tệ sẽ càng thu hẹp. Ngược lại, các nguồn cung USD từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, xuất khẩu, du lịch… khá dồi dào nên không đáng lo về áp lực cầu ngoại tệ trên thị trường” - ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng biến động giá USD không lớn nên các DN có nguồn thu ngoại tệ sẽ không găm giữ, đầu cơ chờ tỉ giá tăng như trước, do đó không gây áp lực ngoại tệ khi đến kỳ hạn trả nợ. Điều đáng lo là việc sụt giảm của tiền gửi bằng ngoại tệ (TP HCM giảm 7,2% và cả nước giảm 5,5% trong 6 tháng đầu năm), chủ yếu do lãi suất tiền gửi thấp dưới 1% với cá nhân và dưới 0,25% với tổ chức.
“Lãi suất huy động USD quá thấp khiến người dân găm giữ ngoại tệ thay vì gửi NH. Như thế sẽ không hút được dòng vốn này đưa vào sản xuất - kinh doanh và gây tình trạng đô la hóa” - ông Chí nhận xét.
“Tranh nhau” cho vay
Có một nghịch lý đang diễn ra cả với tín dụng ngoại tệ, đó là các NH đang “tranh nhau” cho DN tốt vay vốn. Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Mifaco, các DN có “sức khỏe” tốt, tài chính lành mạnh lại không muốn vay NH nhiều; còn DN muốn vay lại không đủ điều kiện. Đây không phải là thời kỳ bùng nổ đầu tư như những năm trước nên DN không mặn mà vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng các NH đang tích cực đẩy tín dụng nhưng cho vay bằng tiền đồng bị nghẽn nên đẩy tín dụng ngoại tệ sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, nhất là khi DN chuộng vay USD vì lãi suất thấp.
Bình luận (0)