Theo đó, VCCI cho rằng quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ còn các doanh nghiệp khác thì không được; qua đó, gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hóa với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. Việc này không phù hợp với pháp luật cạnh tranh cũng như luật về sở hữu trí tuệ.
Đại diện VCCI khẳng định không có căn cứ cho thấy việc duy trì Thông tư 20 có tác dụng hạn chế nhập siêu cũng như kiểm soát nguồn cung trên thị trường. Bằng chứng là tình trạng chi tiêu ngoại tệ cho nhập khẩu xe dưới 9 chỗ năm 2011 là 1,02 tỉ USD, sang năm 2015 tăng lên tới 2,98 tỉ USD (chưa tính thuế). Tỉ trọng của ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94% nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi).
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi Thông tư 20 có hiệu lực, số lượng ô tô nhập khẩu dù giảm trong năm 2011 và 2012 nhưng các năm 2013-2015 thì tăng rất mạnh. Năm 2011, Việt Nam nhập 55.000 xe, đến năm 2015 là 125.000 xe.
“Thông tư 20 có thể đã tạo ra động lực ngược đối với sản xuất ô tô trong nước. Do các nhà sản xuất ô tô trong nước chủ yếu là liên doanh với các hãng lớn của nước ngoài nên các liên doanh này sẽ luôn là đơn vị được ủy quyền. Khi đó, do lợi nhuận từ việc nhập khẩu ô tô tăng cao nên có thể sẽ tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa” - VCCI phân tích.
VCCI cho rằng Thông tư 20 trái với tinh thần Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Chính phủ đang soạn thảo. Do đó, bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Bình luận (0)