Dự án BOT Cai Lậy là một điểm nóng trong quá trình thực hiện xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư 35/2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất một phương pháp tính phí hoàn toàn mới thay vì 2 phương pháp đang áp dụng là phương pháp giá toàn tuyến (giá theo lượt) và phương pháp theo chiều dài đường (giá theo chặng) hiện nay.
Cụ thể, cách tính của VCCI là áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ dựa trên "chi phí vận tải tiết kiệm được" của phương tiện đó. Ví dụ chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 tấn - 10 tấn đi từ điểm A đến B đường cũ là 500.000 đồng. Sau khi xây dựng dự án đường bộ mới thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng, phương tiện được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng. Đối với những dự án thông thường, mức giá tối đa chủ đầu tư được phép thu là 50% chi phí tiết kiệm được. Còn đối với một số dự án khó thu hút đầu tư, Nhà nước có thể nâng mức này lên 60% hoặc 70% giúp chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn.
Đáng lưu ý là sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế, VCCI khẳng định phương pháp này phù hợp với mọi loại dự án, bao gồm dự án xây dựng đường mới, nâng cấp cải tạo đường bộ, dự án cầu, hầm đường bộ, hạn chế tình trạng cải tạo đường cũ nhưng thu phí như đường mới, gây bức xúc trong dư luận như một số dự án BOT vừa qua.
Theo VCCI, nếu áp dụng phương án trên sẽ tạo động lực để các chủ đầu tư lựa chọn bỏ tiền vào những dự án mang lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội như các cung đường có lưu lượng xe lớn, hiện đang đi lại khó khăn. Thậm chí chủ đầu tư sẽ nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất nhiều giải pháp nhằm mang lại lợi ích tối đa cho chủ phương tiện. Điều này phù hợp quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường.
Bình luận (0)