Đánh giá trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh nêu ra tại phiên thẩm tra dự án Luật Thống kê (sửa đổi) trước Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội cuối tuần qua.
Số liệu nhảy múa
Các số liệu thống kê chính xác là công cụ để phục vụ trực tiếp việc hoạch định, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, nguyên tắc và cũng là yêu cầu cơ bản đặt ra là phải bảo đảm tính khách quan, trung thực và độc lập khi công bố.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận thời gian qua có hiện tượng các bộ, ngành và cơ quan thống kê trung ương cùng công bố về một chỉ tiêu theo 2 loại số liệu thống kê khác nhau, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước công bố.
Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ đưa ra con số tăng trưởng GDP chính xác hơn, hạn chế được sự áp đặt. Trong ảnh: Một dây chuyền lắp ráp ô tô ở tỉnh Vĩnh Phúc
“Đáng nói là nhiều lãnh đạo cấp tỉnh chỉ quan tâm đến thành tích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đã tạo áp lực với cán bộ thông kê, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tính độc lập và khách quan của số liệu” - ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đưa ra ví dụ điển hình là báo cáo nợ công năm 2012 theo Bộ Tài chính là khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, báo cáo của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc UBKT đã chỉ ra nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch cũng dẫn chứng cụ thể việc vừa có con số thống kê lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất của Cục Hàng không Việt Nam và của TP HCM rất khác nhau. “Điều này dẫn đến sự tranh cãi quyết liệt vì những người phản đối việc xây sân bay Long Thành sẽ lấy con số của TP HCM để làm dẫn chứng, còn người ủng hộ thì lại lấy số liệu của Cục Hàng không để thuyết phục. Vì thế, luật lần này phải giải quyết được bài toán "vẽ số liệu" chứ không thể để tình trạng như hiện nay được” - ông Lịch nhấn mạnh.
Xử lý cán bộ can thiệp vào kết quả thống kê
Phương án được dự thảo luật đề xuất lần này là sẽ hạn chế tối đa tình trạng biến số liệu thống kê được hình thành và tạo ra từ ý muốn chủ quan mà không được tạo thành từ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; xóa bỏ “bệnh” xây dựng số liệu thống kê để thể hiện thành tích; bảo đảm sự thống nhất giữa các số liệu thống kê quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành kinh tế - xã hội của các địa phương với số liệu do cơ quan thống kê trung ương công bố như GDP, dân số, tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực…
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết các thành viên của ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thống kê (sửa đổi) nhằm khắc phục hàng loạt bất cập trong công tác thống kê hiện nay. Về phạm vi điều chỉnh, Thường trực UBKT cho rằng bên cạnh quy định hoạt động thống kê nhà nước, dự thảo luật cần quy định cả hoạt động thống kê ngoài hệ thống tổ chức nhà nước nhằm bảo đảm quản lý nhà nước toàn diện đối với hoạt động thống kê và quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Đặc biệt, các thành viên của UBKT đề nghị cần có quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê để thống kê Việt Nam hội nhập toàn diện và đáp ứng cơ bản yêu cầu của các nước ASEAN. Thường trực UBKT đề nghị cơ quan thống kê trung ương nên thuộc Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, khách quan thay vì thuộc Quốc hội và hoạt động độc lập như nhiều ý kiến đã kiến nghị. “Cần phải có chế tài xử lý người có chức, có quyền can thiệp vào việc thống kê dẫn đến sai số” - Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu đề nghị.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định sau khi dự luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Theo đó, những trường hợp can thiệp vào công việc thống kê dẫn đến sai số sẽ bị phạt nặng, thậm chí kỷ luật.
Điện, xăng dầu khó có số chính xác
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận nhiều lĩnh vực không thể có số liệu thống kê chính xác. Cụ thể, ngành điện và xăng dầu luôn biến động, thường xuyên báo cáo là kinh doanh thua lỗ và phải tăng giá để bù lỗ hoặc điều chỉnh quỹ hỗ trợ giá các mặt hàng này nhưng lại không có cơ chế kiểm soát tính chính xác của các con số vì chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp.
Bình luận (0)