Tuy nhiên, Uber hoạt động trái quy định, lách thuế, nếu không bị cấm có công bằng với các doanh nghiệp khác?
Kiểm tra, xử phạt xe kinh doanh dịch vụ Uber không đúng quy định tại TP.HCM ẢNH: QUẾ AN
Uber VN phải đầy đủ thủ tục về ngành nghề kinh doanh
Giải thích việc Bộ GTVT 2 lần từ chối đề án thí điểm ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber VN trong khi chấp nhận Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh là công nghệ thông tin và vận tải tại VN.
Grab sau đó đã trình đề án thí điểm hợp đồng vận tải điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực xe taxi và xe hợp đồng, được Bộ chấp nhận và trình Chính phủ. Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động này tại 5 TP lớn, đến nay đã được 1 năm rưỡi. Bộ GTVT đang yêu cầu các đơn vị sơ kết lại hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử trong quý 2/2017, có ưu điểm, tồn tại gì, cần bổ sung thêm những vấn đề gì về phía quản lý như hợp đồng, thu thuế, chất lượng xe hợp đồng, trách nhiệm với khách hàng...
Còn Uber VN, theo lãnh đạo Bộ GTVT, chỉ đăng ký chức năng tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Uber VN cũng trình Bộ đề án thí điểm như Grab, nhưng không được chấp thuận vì giấy phép hoạt động của Uber VN chỉ có kinh doanh phần mềm chứ không phải kinh doanh vận tải. Ông Trường cho biết cái sai của Uber VN là chưa xin giấy phép kinh doanh vận tải đã thực hiện kết nối vận tải với các doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, Uber VN là bên đứng ra trình đề án nhưng chưa được chấp thuận ủy quyền thay Uber mẹ tại Hà Lan. Vì thực tế hợp đồng với tài xế, doanh thu... đều ký trực tiếp với Công ty Uber BV tại Hà Lan (cung cấp dịch vụ xuyên biên giới), hoạt động ủy quyền ở đây không được phép, do nếu phát sinh vướng mắc khách hàng sẽ phải kiện thẳng tới Uber BV, còn Uber VN không liên quan.
“Để hoạt động kết nối vận tải bằng hợp đồng điện tử tại VN, Uber VN phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục, pháp lý về ngành nghề kinh doanh, sau đó Bộ GTVT mới xem xét đồng ý hay không. Phần mềm gọi xe điện tử đã mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng Uber VN chưa đáp ứng đúng luật nên không được đồng ý, không có chuyện phản cạnh tranh hay không”, ông Trường nói.
Trên thực tế, việc ra đời của phần mềm gọi xe như Uber, Grab đã tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực vận tải, kéo giảm giá cước taxi và thúc đẩy chính các hãng taxi truyền thống phải thay đổi, cạnh tranh để sống còn. Sau khi Uber, Grab xuất hiện, nhiều hãng taxi như Vinasun, Thành Công, Vic... cũng đã cho ra đời các phần mềm gọi xe riêng để cạnh tranh. Ủng hộ đây là xu hướng mới, mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng nhưng theo nhiều chuyên gia, DN hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật, không thể đứng trên luật, lợi dụng kẽ hở để lách luật, trốn thuế.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, cũng tương tự như câu chuyện Grab phải ký hợp đồng với các hợp tác xã, DN (có giấy phép kinh doanh vận tải theo Quyết định 24), từ đó nhà nước nắm được số lượng xe theo hợp đồng, nắm được số thuế phải thu, không bị thất thoát thuế, cũng như ràng buộc được trách nhiệm với hãng, tài xế khi xảy ra tranh chấp với khách hàng. Uber phải đăng ký các ngành nghề kinh doanh theo quy định (kinh doanh vận tải, giao dịch thương mại điện tử) để nhà nước nắm được đằng chuôi: tài xế, số xe, doanh thu...
Về luật, Uber VN không bị cấm hoạt động, nhưng các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber mà không có đăng ký kinh doanh vận tải, không có hợp đồng sẽ bị xem là chạy chui và xử lý. “Các sở GTVT như Hà Nội, TP HCM đã xử lý rất nhiều trường hợp như thế này, nếu xe cá nhân nhàn rỗi, không có đăng ký kinh doanh vận tải, không hợp đồng... chạy xe Uber là sai và sẽ bị xử lý hành chính”, ông Trường cho hay.
Quản lý thế nào đây ?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, từ khi vào VN tới nay Uber vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo luật - đồng nghĩa với Uber hoạt động chui, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và còn phát triển mạnh hơn. “Ban đầu khi Uber vào, do chưa có mô hình nên các bộ ngành lúng túng, nhưng sau khi đã có kinh nghiệm quản lý nhưng vẫn không đưa ra được hướng xử lý”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng có hai vấn đề cần xem xét: Thứ nhất, Bộ GTVT nhiều lần yêu cầu Uber VN phải đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh nhưng bị DN lờ đi mà không hề bị xử lý. Thứ hai, dù Uber hoạt động chui nhưng không có chế tài và thiếu bộ máy nên lực lượng tuần tra cũng không xử lý triệt để được các xe liên kết Uber.
Tuy nhiên, từ khía cạnh khác, theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cần phải ủng hộ những tiến bộ mới, loại hình kinh doanh mới. Bộ GTVT có thể yêu cầu Uber giải trình rõ đã được chấp thuận hoạt động ở bao nhiêu nước, để được chấp thuận Uber phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh gì?
“Những tiến bộ công nghệ đòi hỏi các quy định pháp lý phải liên tục thay đổi để đáp ứng. Uber thiếu các quy định nào thì phải đáp ứng đầy đủ mới được hoạt động. Để quản lý, Bộ có thể yêu cầu Uber phải đăng ký danh sách các xe liên kết hoạt động, nộp thuế đầy đủ những xe đó. Chúng ta ủng hộ các tiến bộ mới, có thể xem xét sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, DN phải tuân thủ đúng các quy định, không được lách luật, trốn thuế”, ông Doanh nói.
Theo một chuyên gia khác, VN có thể học hỏi cách quản lý Uber từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Trước đó, Malaysia, Singapore từng cấm Uber hoạt động với những quy định xử phạt rất nặng. Sau đó, Singapore đã nghiên cứu đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn với các dịch vụ như Uber hay GrabTaxi áp dụng từ nửa cuối năm 2015, siết chặt hơn quy định cước phí, yêu cầu chỉ dùng cho các xe taxi và tài xế có giấy phép hành nghề. Các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên ứng dụng điện thoại di động đều phải đăng ký với Cơ quan Vận tải đường bộ Singapore.
Để quản lý, Bộ có thể yêu cầu Uber phải đăng ký danh sách các xe liên kết hoạt động, nộp thuế đầy đủ những xe đó.
Chúng ta ủng hộ các tiến bộ mới, có thể xem xét sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tuy nhiên, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng các quy định, không được lách luật, trốn thuế
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế
Bình luận (0)