Việc tiểu thương phản ứng xây mới chợ Tân Bình đã làm “nóng” cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh TP HCM 9 tháng đầu năm 2014; các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2014 của UBND TP vào chiều 30-9.
Công tác vận động chưa tốt
Trả lời về việc tiểu thương chợ Tân Bình phản ứng gay gắt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình, ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho biết rất ngạc nhiên vì trước khi triển khai, UBND quận Tân Bình đã tổ chức họp báo và có bước chuẩn bị rất kỹ. Từ năm 2008 đến nay, quận đã xúc tiến nhiều thủ tục, có trưng cầu ý kiến của dân, trao đổi với dân bằng phiếu.
“Việc phản ứng dữ dội của tiểu thương là điều lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm. UBND TP đã yêu cầu UBND quận Tân Bình tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, động cơ dẫn đến việc tiểu thương phản ứng mạnh” - ông Luận nói.
Nêu ý kiến riêng, ông Luận cho rằng sở dĩ tiểu thương phản ứng vì công tác vận động chưa đi sâu vào từng ngành hàng; đặc biệt việc thiết kế, bố trí sạp chưa hợp lý. Ông Luận cũng đã góp ý với UBND quận Tân Bình nên xem lại sơ đồ, vị trí bố trí sạp. “Chợ mà 6-7 tầng, làm sao buôn bán? Tiểu thương phản ứng là đúng. Ngoài ra, dự án cũng không nên phân biệt khu A, khu B mà phải liên thông với nhau thì mới bố trí đủ sạp cho tiểu thương” - ông Luận nhận xét.
Quận Tân Bình hiện đã tạm ngưng triển khai dự án để tổng hợp ý kiến nhằm làm rõ vì sao tiểu thương chưa đồng tình; đồng thời xem lại toàn bộ quy hoạch, thiết kế bố trí sạp, các chính sách đối với tiểu thương khi thực hiện di dời để tạo sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, quận sẽ báo cáo UBND TP HCM có ý kiến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ông Luận lưu ý việc thực hiện dự án phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, tiểu thương và nhà đầu tư.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cũng khẳng định đến nay, TP chưa có mô hình xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Quy hoạch của TP HCM không gắn chợ với trung tâm thương mại. Chợ Tân Bình cũng vậy, khu trung tâm thương mại và chợ truyền thống sẽ được xây dựng tách bạch nhau.
Nhiều đề án giáo dục chờ quyết
Tại cuộc họp báo, những đề án “bất khả thi” của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM - như: Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP năm học 2014-2015 với tổng kinh phí thực hiện thí điểm khoảng 4.000 tỉ đồng, Chương trình tiếng Anh tích hợp 2 chương trình quốc gia Anh và Việt Nam từ năm học 2014-2015 - cũng là vấn đề “nóng” được đặc biệt quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hoài Nam cho biết với đề án sách giáo khoa điện tử, theo chỉ đạo của UBND TP, sở đã tổ chức 2 cuộc hội thảo để xin ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và sở, ngành liên quan. Các ý kiến này đã được sở tổng hợp, gửi lên UBND TP HCM và đang chờ quyết định. Về chương trình tiếng Anh tích hợp, ông Nam nói đã trình kế hoạch lên UBND TP HCM và cũng đang chờ chỉ đạo.
Không thể nói nặng hay nhẹ…
Về việc nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM Nguyễn Thành Rum chỉ nhận hình thức phê bình rút kinh nghiệm vì đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ 2 tuần trước khi nghỉ hưu, ông Võ Văn Luận cho biết: “Việc xử lý đã có hội động xử lý kỷ luật. Hội đồng đưa ra phán quyết, biểu quyết, bỏ phiếu kín rất khách quan, báo chí cũng đã đăng nên giờ tôi không thể nói xử lý như vậy là nặng hay nhẹ. Đã có hội đồng thì mình phải tin tưởng hội đồng”.
Bình luận (0)