Tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 8-7 ở Hà Nội, dẫn báo cáo từ Công ty tư vấn Knight Frank, chuyên gia Ngân hàng Thế giới ( WB) tại Việt Nam Gabriel Demombynes cho hay Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu với số tài sản trên 30 triệu USD vào năm 2013, tăng thêm 34 người so với 10 năm trước ( năm 2003).
Báo cáo của WB nêu rõ số người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ. Hiện cứ khoảng một triệu người Việt Nam sẽ có hơn một người siêu giàu. Chuyên gia của WB cho ràng con số này là bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam.
Theo các số liệu được công bố trước đây, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có khoảng 320 triệu phú trên sàn chứng khoán (tài sản trên một triệu USD).
Tổng tài sản của 100 người đứng đầu danh sách đạt gần 71.000 tỉ đồng (tương đương gần 3,4 tỉ USD). Trong đó, người giàu nhất là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với số tài sản bằng cổ phiếu trị giá gần 20.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm trước và gấp 6 lần mức trung bình của các triệu phú còn lại trong top 10.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết người dân vẫn cảm thấy bất ổn trước hiện trạng bất bình đẳng ngày càng tăng. Theo báo cáo về "Bất bình đẳng tại Việt Nam" được WB công bố, có đến 80% người dân sống ở các vùng đô thị bày tỏ quan ngại về bất bình đẳng giàu-nghèo trong khi tỉ lệ này ở nông thôn là 50%.
Các chuyên gia WB tỏ ra lạc quan rằng Việt Nam đã tương đối thành công khi sự bất bình đẳng về thu nhập chỉ tăng ở mức khiêm tốn thời gian qua, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Từ năm 1993 đến 2012, thu nhập bình quân của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất tăng 9% mỗi năm, thuộc nhóm các nước có tỉ lệ tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ này không xảy ra ở các khu vực còn nhiều hộ nghèo và các vùng sâu vùng xa.
Bình luận (0)