Hội nghị kinh tế đối ngoại 2016 – Vietnam Summit diễn ra ở TP HCM ngày 3-11, là sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam và tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) Vương quốc Anh phối hợp tổ chức.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, quá trình hội nhập thời gian qua đã giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển, là trọng tâm tạo cho Việt Nam tiếp cận với thế giới và thúc đẩy thương mại nhưng cũng giúp hoàn thiện thêm các thể chế trong nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam thu hút đầu tư nhưng vẫn đảm bảo về môi trường.
Về môi trường đầu tư, Chính phủ Việt Nam chủ trương tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư có sân chơi bình đẳng, đó là thể chế. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng hơn đầu tư nhưng theo hướng phát triển bền vững môi trường. Thu hút đầu tư những lĩnh vực có lợi thế, kỹ thuật công nghệ cao, đảm bảo môi trường và đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực. Việt Nam sẽ đưa ra những điều kiện để đảm bảo vừa thu hút được đầu tư đồng thời bảo vệ được môi trường.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển không và nhà đầu tư có thể kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hay không? Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong 30 năm qua và có thể đã tới giới hạn nhưng Chính phủ đang đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, bền vững với mức tăng trưởng hợp lý. Dự kiến trong 5 năm tới mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ từ 6,5-6,7% và với những nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng.
“Nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá để tác động đến môi trường, đó là mục tiêu của chúng tôi” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Để làm được điều này, cần sự liên kết giữa các vùng để tránh sự cạnh tranh giữa các vùng, thu hút đầu tư bằng mọi giá. Và sự liên kết giữa các tỉnh, vùng sẽ là tích cực để giảm bớt sự không hiệu quả.
Các doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ hội nghị để tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các bộ ngành đang tích cực thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, đặc biệt đối với những DN có số vốn nhà nước nắm giữ lớn với mục tiêu đổi mới DN đó, tăng cường quản trị tốt hơn và giảm tỉ lệ nắm giữ của nhà nước để tạo điều kiện cho DN làm ăn có hiệu quả. Dù có nhiều DNNN làm ăn chưa hiệu quả nên quá trình bán vốn cổ phần, cổ phần hóa sẽ gặp khó khăn nhưng quyết tâm của Chính phủ là đẩy nhanh quá trình này và chỉ giữ lại những DNNN liên quan đến an ninh.
Bình luận (0)