Thông tin Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất Chính phủ trả nợ thay khoản vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao và nguồn thu ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn đang khiến dư luận lo ngại về hiệu quả kinh doanh cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Ỷ vào "bầu sữa mẹ"
Cụ thể, năm 2008, Bộ Tài chính vay 250 triệu USD vốn tín dụng của China Eximbank và cho Vinachem vay lại toàn bộ để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình, thời hạn 15 năm, đã hoàn thành rút vốn năm 2012. Dự án bắt đầu trả nợ gốc từ tháng 1-2014 (ủy quyền cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV là cơ quan cho vay lại).
Đạm Ninh Bình nhiều năm liền thua lỗ ngàn tỉ, trong khi vẫn đang gánh món nợ nước ngoài hơn 200 triệu USD Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
Tháng 10-2015, Nhà máy Đạm Ninh Bình đi vào hoạt động nhưng liên tục thua lỗ. Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, Vinachem đã phải trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình, riêng khoản nợ của China Eximbank là 25 triệu USD. Năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ 1.132 tỉ đồng, trong khi tập đoàn Vinachem cũng lỗ 895 tỉ đồng trong khi nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,56 lần, cao hơn so với mức 2,38 lần của năm 2015.
Tự đánh giá không cân đối đủ dòng tiền trả nợ tại dự án Đạm Ninh Bình và dự án muối mỏ kali tại Lào, Vinachem đã đề xuất Bộ Tài chính cho khoanh nợ gốc, chỉ trả nợ lãi phát sinh và chi phí cho vay lại trong kỳ từ nay đến tháng 1-2022 đối với khoản vay của China Eximbank. Theo đề xuất này, ngân sách sẽ phải ứng ra 125 triệu USD trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem. Sau đó, tập đoàn sẽ trả nốt 162,5 triệu USD đến hết năm 2028.
Hai lần gửi văn bản lên Bộ Tài chính, Vinachem không báo cáo đầy đủ tình hình tài chính cũng như phương án tháo gỡ khó khăn mà chỉ nhắm đến mục đích được khoanh nợ và được Chính phủ hỗ trợ. Do đó, Bộ Tài chính phải yêu cầu BIDV bổ sung phân tích tình hình tài chính của DN để có đủ cơ sở đánh giá khả năng cân đối nguồn trả nợ của Đạm Ninh Bình và Vinachem.
Từ số liệu báo cáo của BIDV, Bộ Tài chính nhận thấy Vinachem chưa nỗ lực tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tìm phương án trả nợ với tư cách là người vay lại và chịu trách nhiệm trả nợ cho Chính phủ. Bóc tách số liệu, Bộ Tài chính đánh giá Vinachem vẫn có khả năng cân đối nguồn trả nợ gốc cho phía Trung Quốc. Do đó, tập đoàn phải ưu tiên hàng đầu trả nợ cho Trung Quốc, không để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và tín nhiệm quốc gia.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc Vinachem đầu tư dàn trải, không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18-11-2016 là "chỉ vay trong khả năng trả nợ". Tính đến năm 2016, tập đoàn đã đầu tư vào 39 dự án, dẫn đến sức ép về tài chính. Khi gặp khó khăn lại tìm mọi cách "đá" nghĩa vụ trả nợ cho Chính phủ mà không nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.
Không tạo tiền lệ xấu
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng nếu Chính phủ trả nợ thay cho DN như trường hợp này là Vinachem sẽ tạo gánh nặng tài chính quá lớn trong bối cảnh ngân sách không cho phép. "Không chỉ có mình Vinachem vay nước ngoài rồi kêu không trả được nợ. Nếu Chính phủ đồng ý trả nợ thay là tạo tiền lệ xấu cho các DNNN khác. Phải truy đến cùng trách nhiệm tài chính của người ký thực hiện dự án. Nếu không cân đối được dòng tiền, có phương án trả nợ thì phải đưa ra tòa, cưỡng chế lấy tài sản cá nhân để bồi thường" - ông Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh lưu ý Chính phủ đã có cơ chế giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước. Nhưng suốt bao nhiêu năm, đã có cơ quan nào đưa ra cảnh báo đặc biệt với Đạm Ninh Bình nói riêng và 12 dự án của Bộ Công Thương thua lỗ hay chưa? Số lượng DN có vốn đầu tư của nhà nước hiện nay vẫn rất lớn, đầu tư dàn trải vào nhiều DN, trên nhiều lĩnh vực và do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, nếu không thực hiện tốt cơ chế giám sát cho vay và giám sát đầu tư sẽ khó tránh được hệ quả tương tự.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đối với các khoản vay Chính phủ bảo lãnh như trường hợp của Đạm Ninh Bình, nếu không kiểm soát hiệu quả sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn tới nợ công. Trường hợp xin đối tác khoanh nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và xếp hạng tín dụng quốc gia. Chuyên gia này cho biết trong các định hạng tín nhiệm của Moody’s, Standard & Poor’s, Việt Nam được đánh giá là không khuyến khích đầu tư và mang tính chất đầu cơ.
"Nếu nợ công cao, uy tín giảm thì không thể nâng triển vọng lên mức khuyến khích đầu tư được. Hệ quả là Việt Nam sẽ phải trả lãi suất cao cho các khoản vay quốc tế. Bên cạnh đó xu hướng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế của DN Việt Nam để huy động vốn ngoại sẽ gặp cản trở vì nhà đầu tư đánh giá nhiều rủi ro" - ông Hiếu nói.
Ngân sách đang phải trả nợ thay cho nhiều DNNN
Bộ Tài chính cho biết hiện nay, Quỹ Tích lũy trả nợ đang định kỳ phải trả nợ thay cho nhiều dự án, DNNN gặp khó khăn như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là SBIC), Giấy Phương Nam…
Tại Vinashin, khoản nợ dự kiến phải trả có thể lên đến 63.000 tỉ đồng, gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính phủ vay về cho vay lại. Đối với Giấy Phương Nam, đầu năm nay, Bộ Tài chính đã làm việc với ngân hàng của Áo để đàm phán phương án tài chính, chia sẻ rủi ro.
Trước đó, ngân sách đã phải trả nợ thay một phần cho các dự án xi măng Đồng Bành, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hạ Long được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài nhưng làm ăn thua lỗ, khó khăn không trả được nợ. Đến nay, dự án xi măng Tam Điệp, Hoàng Mai đã được tái cơ cấu, hoạt động hiệu quả và trả được nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như khoản nợ Chính phủ đã trả thay.
Theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược nợ công, nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2020 là không quá 12% GDP. Kế hoạch dự kiến đến năm 2020 duy trì dư nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP ở mức không quá 10%.
Bình luận (0)