Ngày 4-10, tức hơn 1 tháng công bố quyết định rà soát (30-8), Bộ Công Thương mới có thông báo kết quả rà soát, kiểm tra đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng (gọi tắt là Con Cưng) của Cục QLTT và đánh giá hoạt động của đoàn kiểm tra.
Phát ngôn có dấu hiệu vi phạm
Tại thông báo này, Bộ Công Thương nhận định các công chức lãnh đạo Cục QLTT là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng (đều là phó cục trưởng) có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của bộ, gây ra những hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Ngoài yêu cầu công chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng thông báo Đảng ủy Bộ Công Thương về các dấu hiệu vi phạm của các đảng viên trong thực thi công vụ theo quy chế phối hợp để xem xét xử lý về Đảng đối với đảng viên Nguyễn Trọng Tín và Trần Hùng. Bộ Công Thương cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo bộ về trình tự thủ tục xem xét xử lý cán bộ công chức có dấu hiệu vi phạm đối với hai cán bộ nêu trên.
Vụ việc lùm xùm của Con Cưng bắt đầu từ cuối tháng 5-2018, khi ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phản ánh sản phẩm bộ thun bé gái dài tay tại một cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu cắt tem nhãn hàng hóa và thay thế bằng tem nhãn của Con Cưng. Phía Con Cưng và khách hàng đã có biên bản giải quyết khiếu nại với nội dung thu hồi sản phẩm lỗi đang bán tại cửa hàng, thu hồi sản phẩm lỗi khách đã mua.
Nhưng đến giữa tháng 7, Chi cục QLTT TP HCM mới phối hợp cùng Cục QLTT đồng loạt kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bày bán tại 3 cửa hàng Con Cưng ở TP HCM. Tại cuộc kiểm tra, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT, lưu ý các cán bộ QLTT một số nghi vấn về tem nhãn, xuất xứ…
Sau đó, trong báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại TP HCM, Chi cục QLTT TP HCM cho biết cơ quan này đã thu giữ hơn 5.000 sản phẩm của Con Cưng vì "có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ với giá trị gần 500 triệu đồng".
Diễn biến vụ việc được đẩy lên "đỉnh điểm" khi tại cuộc họp báo thông tin kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, thông tin đơn vị này đang triển khai kiểm tra trên toàn hệ thống của chuỗi siêu thị Con Cưng. Bước đầu, ghi nhận chuỗi siêu thị này có 7 dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, Con Cưng gửi "tâm thư" đến Bộ Công Thương thừa nhận những sai sót chỉ về mặt hành chính và mong sớm công bố kết luận để họ yên tâm làm ăn.
Vụ việc càng khiến nhiều người khó hiểu khi Bộ Công Thương công bố kết luận kiểm tra Con Cưng vi phạm một số lỗi tại 3 nghị định. Đến khi ra quyết định xử phạt, Con Cưng bị phạt 11 lỗi, với tổng mức phạt 250 triệu đồng. Doanh nghiệp này còn dính tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính về dán nhãn với giá trị hàng hóa lớn. Và tình tiết giảm nhẹ là đã chủ động thu hồi sản phẩm lỗi, ghi nhãn không đầy đủ, tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…
Một cửa hàng Con Cưng tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Phải xử lý công tâm
Bình luận về sự việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng Con Cưng có 11 lỗi vi phạm và phải chịu phạt 250 triệu đồng tức là không hoàn toàn "vô tội". Trong khi đó, các cán bộ QLTT lại đối diện với nguy cơ kỷ luật do phát ngôn về các vi phạm của DN này. "Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao cơ quan chức năng vừa xử phạt DN lại vừa kỷ luật cán bộ? Liệu có hợp lý không? Nếu kỷ luật cán bộ thì phải chứng minh được động cơ cá nhân, chứng minh việc phát ngôn có vi phạm pháp luật và quy chế của cơ quan hay không, có chứng minh được hậu quả gây ra với DN không…" - vị luật sư phân tích.
Cũng theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, khi xem xét đến vi phạm về mặt phát ngôn của cán bộ, cần đặt trong hoàn cảnh phát ngôn cụ thể, trong cuộc họp hay trao đổi riêng với báo chí…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc xử lý cán bộ vi phạm về quy chế phát ngôn dẫn đến tổn hại cho DN cần hết sức công tâm, khách quan để cán bộ phải "tâm phục khẩu phục". "Xử lý kỷ luật làm sao để không làm "nhụt chí" của cán bộ thừa hành khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với sai phạm, gian dối của DN nhưng cũng phải xử nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu, tư lợi thông qua hoạt động kiểm tra; biểu hiện lợi dụng cơ quan truyền thông để đưa tin sai sự thật. Nếu cán bộ cố ý vi phạm, dứt khoát phải xử lý mạnh tay và khẩn trương, tránh tình trạng nhùng nhằng, quanh co, chối lỗi" - ông Phong nói.
Ngoài ra, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng hoạt động thanh - kiểm tra DN phải được thực hiện minh bạch, công bố công khai quyết định thanh kiểm tra, lý do, kết quả. Từ đó, sẽ giúp cán bộ tránh được vô tình bị "cuốn" vào vi phạm, đồng thời chặn sớm việc cố ý vi phạm.
Sẽ tổ chức hội đồng kỷ luật
Ngày 5-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tổ chức hội đồng kỷ luật đối với các cán bộ có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Việc xử lý sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật cũng như quy chế của Bộ Công Thương. Về việc quá trình xử lý có dấu hiệu kéo dài, đại diện bộ cho hay do cần phải thực hiện đúng quy trình, báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Bình luận (0)