Sáng 1-7, Bộ Công Thương và UBND TP HCM tổ chức tọa đàm EVFTA và vai trò của truyền thông. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đồng chủ trì tọa đàm.
Kỳ vọng lớn
Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh EVFTA là một trong số ít hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Kỳ vọng hiệp định chuẩn bị đi vào thực thi sẽ mở đường cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP 18.000 tỉ USD.
Nhấn mạnh các nội dung thỏa thuận của hiệp định dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến bảo đảm lợi ích cân bằng của cả 2 bên trong nhiều vấn đề phi truyền thống, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận Việt Nam buộc phải cải cách cả về thể chế cũng như giải quyết các vấn đề về tập quán văn hóa, kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm EVFTA và vai trò của truyền thông . Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khẳng định EVFTA là cơ hội lớn của cộng đồng DN cả nước, đặc biệt là với TP HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho rằng chúng ta cần hiểu rõ và phân tích cụ thể lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên để có thể tận dụng hiệu quả hiệp định. "Đứng trước cơ hội lớn, không hiểu rõ về nó thì có thể chúng ta sẽ lạc quan tếu và bỏ qua nhiều lợi ích. Vai trò của báo chí hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền sâu rộng về hiệp định để cộng đồng xã hội hiểu rõ, hiểu đúng và triển khai thực hiện hiệu quả" - ông Dương Anh Đức nói.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), để tiếp cận thành công thị trường EU, DN Việt phải đối mặt với bài toán không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến không ít quốc gia khu vực này lao đao. Do đó, DN Việt cần chủ động theo dõi sát sao các biến động và nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản trong trung và dài hạn, nhanh chóng khôi phục xuất khẩu ngay khi dịch bệnh giảm và nền kinh tế dần phục hồi…" - ông Linh gợi ý.
Củng cố doanh nghiệp trong nước
Trong phần trao đổi, thảo luận của lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đánh giá ký kết EVFTA là thành công rất lớn của đất nước trong 10 năm qua. Với hơn 60% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được dỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1-8 tới và hơn 30% dòng thuế còn lại được dỡ bỏ dần trong 10 năm, EVFTA được coi là cánh cửa rất lớn với thương mại Việt Nam. "EU là cộng đồng rất lớn, rất quan trọng. EVFTA là siêu xa lộ giúp chúng ta tiến gần hơn thế giới. Xa lộ thì có rồi nhưng vấn đề là đi lại trên xa lộ đó thế nào?" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân đặt vấn đề.
Gợi mở với tọa đàm một số hướng tiếp cận, ông Tô Đình Tuân nhận định rào cản lớn nhất với Việt Nam khi gia nhập EVFTA là phần lớn DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, năng lực còn yếu. Hệ quả là khi ra biển lớn, khả năng phòng thủ của DN và khả năng làm thương hiệu yếu, kéo theo sức cạnh tranh cũng yếu. Trong khi đó, quy mô DN nước ngoài lên đến ngàn tỉ USD và khả năng quản trị đạt đến đỉnh cao. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để củng cố nội lực của DN trong nước.
Một vấn đề khác cũng đặc biệt quan trọng, theo ông Tô Đình Tuân, là bảo đảm thực thi pháp lý liên quan đến các cam kết quốc tế. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý để tiến vào xa lộ, DN có thể bị kiện ngược và hứng chịu thiệt hại. "Cần thiết kế hàng rào hợp lý để vừa bảo đảm thực thi nghiêm túc quy định pháp lý bên ngoài vừa bảo vệ được DN yếu thế bên trong" - ông Tô Đình Tuân góp ý.
Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Phan Chiến Thắng, đánh giá công tác truyền thông về EVFTA trong thời gian qua đã khá đầy đặn, nhưng chưa nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN. "Chính lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nói các DN rất thờ ơ với lợi ích của hiệp định mang lại. Bộ Công Thương mở cổng điện tử nhận giải đáp thắc mắc của DN về hiệp định nhưng tính đến cách đây vài ngày, vẫn chưa nhận được câu hỏi nào. Chúng tôi muốn bộ lý giải vì sao DN không quan tâm đến hiệp định với những lợi ích kinh tế dành cho họ? Có phải DN tiếp cận thông tin qua kênh khác hay họ không tin tưởng vào sự kịp thời trong giải đáp của Bộ Công Thương?" - ông Thắng đặt câu hỏi.
Lãnh đạo Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng nêu thực tế Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã triển khai được một năm nhưng còn nhiều bất cập, chậm thực thi ngay trong nội bộ các bộ ngành, hay nói cách khác là tự chúng ta ngáng chân mình. Liệu Bộ Công Thương tuyên truyền lợi ích của hiệp định đến các bộ, ngành "chưa tới" hay do phối hợp thiếu nhịp nhàng?
Phản hồi ý kiến các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh báo chí đã nhận diện nhiều vấn đề tồn tại xung quanh thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới. Bộ trưởng thừa nhận tình trạng các bộ, ngành chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, trong đó có trách nhiệm của Bộ Công Thương với vai trò cơ quan đầu mối, giám sát thực thi việc tổ chức thực hiện. "Còn có sự e ngại, né tránh trong trách nhiệm thực hiện. Việc này liên quan đến uy tín, hình ảnh đất nước. Những phản ánh này rất có ý nghĩa cho cơ quan quản lý làm chính sách" - ông Trần Tuấn Anh bày tỏ và giao Vụ Chính sách thương mại đa biên xây dựng chương trình hợp tác với các cơ quan truyền thông để cụ thể hóa các nội dung cần tuyên truyền trong thời gian tới.
Bình luận (0)