.Phóng viên: Để ngành nông nghiệp tiếp tục đảm trách vai trò trụ đỡ bền vững của nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu chính của chiến lược?
- Bộ trưởng LÊ MINH HOAN: Lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn, thoát ly khỏi cách nhìn mùa vụ, ngắn hạn, với từng nội ngành riêng lẻ, cũng như thoát ly khỏi cách nhìn mà bấy lâu nay chúng ta vẫn định hướng phát triển dựa trên những gì chúng ta đang có. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra một số mục tiêu sau:
Thứ nhất, thúc đẩy những gì chúng ta đã làm tốt, mang lại những thành tựu cho ngành nông nghiệp những năm qua. Cùng với đó là phải tháo gỡ những "nút thắt", những "điểm nghẽn" hay "những vấn đề nội tại" của ngành nông nghiệp đang diễn ra như thế nào. Đó là nền nông nghiệp dựa trên phát triển đơn ngành chứ không phải dựa trên đa ngành.
Bây giờ tư duy mới là phải tích hợp đa giá trị. Ví dụ như xưa giờ chúng ta phát triển dựa trên ngành lúa gạo, ngành thủy sản. Nhưng giờ với mô hình "trên lúa, dưới cá" hay "trên lúa, dưới tôm" thì đây là trồng trọt hay là chăn nuôi, trồng trọt hay là thủy sản? Đây là những khái niệm mới, tích hợp các giá trị lại để cộng hưởng thành những giá trị cao hơn so với giá trị đơn ngành.
Một vấn đề nội tại nữa là một nền nông nghiệp thâm dụng về đất đai, thâm dụng chi phí đầu vào nhiều hơn là thâm dụng về khoa học - công nghệ hoặc mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ - có thể chi phí đầu vào không tăng nhưng đầu ra lại tăng khi tạo ra chất lượng nông sản tốt hơn.
Đầu tư vào công nghệ chế biến để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy chế biến nha đam tại tỉnh Ninh Thuận Ảnh: AN NA
Thế giới ngày nay đang tiếp cận một khái niệm mới rất hay: Ít hơn để được nhiều hơn - tức là chi phí thấp hơn để được kết quả cao hơn. Trong khi nền nông nghiệp của chúng ta lại tốn chi phí nhiều hơn, kể cả thâm dụng về đất đai, hệ sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học... Chúng ta biến tất cả những yếu tố đó cộng thành một giá trị. Sau này, thế hệ sau sẽ bị tác động, bị ảnh hưởng. Người ta gọi đó là phát triển không bền vững.
.Vậy muốn phát triển bền vững, chúng ta phải làm gì, thưa Bộ trưởng?
- Muốn phát triển bền vững thì phải thay đổi cả quan điểm và cấu trúc của ngành nông nghiệp, phát huy những giá trị khác ngoài những gì mà chúng ta thường theo đuổi lâu nay - đó là giá trị về sản lượng. Bởi về mặt kinh tế học, sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất. Điều này có nghĩa GDP của ngành nông nghiệp có tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng, giá trị gia tăng giảm đi và thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với tăng trưởng của ngành. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý.
Do vậy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải làm sao tiệm cận được sự phát triển của ngành với thu nhập của người sản xuất và sự tăng trưởng của giá trị tăng thêm, mới chính là vấn đề cần theo đuổi chứ không phải chỉ là sản lượng tăng thêm. Câu chuyện "được giá, mất mùa" và "mất mùa, được giá" đặt ra cho việc cân đối giữa sản lượng và tăng trưởng giá trị.
Chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chiến lược phải hướng tới một nền nông nghiệp không đánh đổi những chi phí ảo - chi phí mà chúng ta không tính vào giá thành sản xuất như: hủy hoại môi trường do lạm dụng vật tư đầu vào, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu...
Xu thế chung của thế giới là nông sản không chỉ ngon, sạch, bổ mà sản phẩm đó phải được sản xuất không gây tác động biến đổi khí hậu, môi trường, đa dạng sinh học và không ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người nông dân.
Toàn bộ những vấn đề nêu trên mới là chiến lược, chứ không phải là kiểm đếm tăng ngành này, giảm ngành kia. Vấn đề ở đây là chúng ta phải định vị lại những giá trị cốt lõi, tiếp cận những xu thế dù là trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản; dù cây dài ngày hay ngắn ngày, tất cả phải đi theo tư duy phát triển chung: Phát triển bền vững.
Cùng với đó, chiến lược phải phát triển bao trùm, không chỉ gói gọn ở tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, xuất khẩu bao nhiêu để so sánh mà phải là tạo ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người ở nông thôn. Phải làm sao để tăng trưởng không chỉ tập trung ở một nhóm người mà phải tạo ra cho cả xã hội thụ hưởng sự phát triển đó.
.Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chiến lược xoay quanh 3 trụ cột: "Nông nghiệp sinh thái", "Nông thôn hiện đại", "Nông dân thông minh". Cùng với đó, chiến lược cũng tập trung "Tháo gỡ thể chế - Khơi thông nguồn lực". Vậy ngành sẽ làm gì để giải các bài toán này?
- Về nguồn lực, thường khi xây dựng chiến lược hay làm gì đó, câu hỏi sẽ đặt ra: tiền đâu để làm trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Tiền nhà nước là hữu hạn, trong khi nhu cầu là vô hạn thì phải biết cách nhìn trong chiến lược để xây dựng. Đừng bao giờ nghĩ nhà nước sẽ làm hoàn toàn. Biết đâu chiến lược đó, ý tưởng đó sẽ kích thích xã hội đầu tư vào. Ngân sách đáp ứng được phần nào thì phải tùy vào chương trình cụ thể nhưng tôi tự tin rằng nếu chúng ta tiếp cận đúng vấn đề, đó là một phần đầu tư công để dẫn dắt vốn đầu tư của xã hội.
Ví dụ khi đầu tư một cảng cá cho chiến lược thủy sản, nếu chúng ta nghĩ nó là cảng cá thì đó chỉ đơn thuần là nơi neo đậu tàu thuyền. Nhưng nếu chúng ta nghĩ nó là một khu phức hợp, trong đó có chế biến thủy sản, huấn luyện nghề cho ngư dân, làm du lịch... thì sẽ kích hoạt đa giá trị ở cảng cá đó. Cũng như các hồ thủy điện của chúng ta, rất đẹp nhưng chỉ đơn thuần là hồ chứa và cung cấp nước. Vậy sao chúng ta không nghĩ đập Tam Hiệp của Trung Quốc mỗi năm đón mấy triệu khách du lịch. Họ biến công trình thủy lợi không chỉ có chức năng chứa nước mà phải mang lại giá trị khác nữa.
Cuối tuần này Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức một hội nghị về kinh tế dưới tán rừng ở khu vực Tây Bắc để tiếp cận tới giá trị của rừng đa dụng như thảo dược dưới tán rừng, kết hợp cả văn hóa và yếu tố bản địa trong đó, chứ không tiếp cận rừng với những cây gỗ nữa.
Xưa giờ chúng ta quan niệm nông sản là thực phẩm. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận rằng nông nghiệp không chỉ là thực phẩm, mà cả dược phẩm, là mỹ phẩm thì lúc đó mới nâng giá trị của nông sản tạo ra.
Bình luận (0)