Chợ trâu bò lớn nhất nước
Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, chúng tôi về chợ Ú ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An), nơi được xem là chợ đầu mối buôn bán trâu bò lớn nhất nước. Khu chợ là một bãi đất rộng nằm cách tuyến đường lớn N5 nối quốc lộ 1A và QL7 không xa.
Từ mờ sáng, hàng ngàn con trâu bò được thương lái đưa về chợ Ú.
Mới 4 giờ sáng, trời tối ngập chìm trong sương nhưng khu chợ đã đông đúc, náo nhiệt khi hàng loạt xe tải chở trâu bò tập kết tại đây. Hàng ngàn con trâu bò được thương lái đưa đến tập trung tại bãi đất trống.
Theo người dân, mỗi tháng chợ Ú họp 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Chợ họp từ 4 giờ đến tầm 9 giờ hàng ngày là tan. Bình quân mỗi phiên chợ có tới hàng ngàn con trâu bò được giao dịch qua các thương lái. "Nguồn trâu bò về chợ Ú rất phong phú, ngoài trâu bò ở địa phương thì có trâu bò từ các tỉnh thành khác đem về. Rồi còn có trâu bò được các thương lái nhập từ Lào, Thái Lan, Myanmar… về"- anh Nguyễn Văn Hùng, một thương lái chúng tôi gặp tại chợ Ú, cho biết.
Về chợ Ú, nghe câu chuyện của các lái trâu bò xung quanh việc giao dịch, chúng tôi khám phá ra nhiều điều thú vị. Trâu bò mua về thịt thường là những con to béo, có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt nhưng xương nhỏ. Những con trâu, bò mua để thịt sau khi mua bán xong xuôi được chủ nhân đánh dấu hoặc viết chữ, số lên da để khẳng định sở hữu cũng như để không bị lạc. Số trâu bò này sau đó nhanh chóng được các thương lái gom lại đưa lên các xe tải chở đi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh lân cận bán.
Người dân đưa trâu bò về chợ Ú.
Còn việc chọn trâu về nuôi thì kỳ công hơn. Để có một con trâu, bò tốt đòi hỏi người mua phải có "con mắt tinh đời". "Chọn trâu bò về nuôi thì con nào cứ "mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" là mua, vì đây là loại tạp ăn, dễ nuôi. Còn con nào"Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi", thì phải trách xa, không nên mua"- ông Lê Văn Hà, một lái trâu bò tại chợ Ú, chia sẻ.
Thoát nghèo nhờ chợ trâu bò
Theo người dân địa phương, chợ Ú có từ lâu lắm rồi, trước kia được họp tại một bãi đất trống, là nơi người dân trong vùng mang trâu bò đi trao đổi. Đến năm 1967, chợ Ú được thành lập và đi vào hoạt động. Chợ họp mỗi tháng 6 phiên, mỗi phiên có hàng ngàn con trâu bò được giao dịch. Do chợ trâu bò họp thường xuyên nên có rất nhiều nghề khác ăn theo và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương như nghề dắt trâu bò (đòi trâu theo tiếng địa phương), bán rơm, bơm nước tắm cho trâu bò, dịch vụ ăn uống… "Được nghỉ học, có phiên chợ tranh thủ ra đi dắt trâu bò thuê một buổi sáng cũng kiếm được từ 100.000 – 150.000 đồng", em L., đang dắt trâu bò ở chợ Ú, cho biết.
Trâu bò sau khi giao dịch được người dân đòi ra xe ôtô.
Ngoài ra, từ ngày có chợ Ú, người dân địa phương có thêm một nghề mới là chăn trâu thuê cho các thương lái. Trâu bò được tập kết để chờ đến phiên chợ được các thương lái thuê người dân địa phương chăn thả tại các cánh đồng vỗ béo chờ ngày bán.
Về xã Đại Sơn, chúng ta rất dễ bắt gặp trên các cánh đồng, dọc hai bên các tuyến đường là những đàn trâu bò hàng trăm con được đang nhởn nhơ gặm cỏ. Mỗi đàn trâu bò có một người "quản trâu bò" riêng. "Ở đây có rất nhiều người đi chăn trâu bò thuê, công việc hàng ngày là lùa đàn trâu bò ra đồng ăn rồi đứng canh, trâu bò đều được đánh số, ký hiệu trên người nên không bị lạc. Mỗi ngày đi canh thuê trâu bò cho thương lái được trả từ 200.000 – 300.000 đồng tùy vào số lượng con. Thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày"- chị Nguyễn Thị Thanh, trú xã Đại Sơn, một người chăn trâu bò thuê chúng tôi gặp trên cánh đồng, chia sẻ.
Mọi giao dịch trâu bò diễn ra ngay bãi đất trong khuôn viên chợ Ú
Nhờ chợ Ú, đời sống của người dân trong xã Đại Sơn khá dần lên, chợ Ú đang đem lại sự đổi thay, diện mạo mới cho vùng cho vùng quê nghèo Đại Sơn, Đô Lương, Nghệ An.
Bình luận (0)