Chiều 26-3, tại TP HCM, Đoàn Kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đã làm việc với các tỉnh sản xuất gạo của ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện 20 doanh nghiệp (DN) có kim ngạch xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước để đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Tại đây, VFA kiến nghị cho xuất khẩu gạo bình thường. Nhiều DN gạo có đề xuất tương tự. Đoàn Kiểm tra liên ngành ghi nhận các ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28-3.
Tăng đột biến nên lo thiếu!
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo hoặc cũng có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Bởi theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì trong tháng 3 này có thể đối diện rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 là Philippines, Iraq, Malaysia, Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đạt 66.222 tấn, với trị giá hơn 37 triệu USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm ngoái, Trung Quốc chỉ nhập khẩu của Việt Nam 9.534 tấn gạo, với trị giá chỉ hơn 4,5 triệu USD. Như vậy, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 594,59% về lượng và 723,62% về giá trị xuất khẩu.
Chỉ tính riêng trong tháng 2-2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 47.863 tấn gạo, với trị giá khoảng 26,3 triệu USD. Trong khi đó cùng kỳ năm 2019, số lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 1.238 tấn, giá trị hơn 607.000 USD. Đáng chú ý, giá mua gạo của Trung Quốc nay cũng cao hơn...
Bên cạnh đó, Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 38,4% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 35,9% trong tổng kim ngạch, đạt 357.055 tấn, tương đương 154,71 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 23,5% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2019. Riêng Iraq trong 2 tháng đầu năm ngoái không tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng 2 tháng đầu năm 2020 thì mua rất nhiều, tới 90.000 tấn, đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang Malaysia cũng tăng mạnh (148,8%) về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 94.413 tấn.
Về đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 26-3, ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước - nêu quan điểm: Hằng năm, tổng cục đều thực hiện kế hoạch mua lúa, gạo dự trữ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong năm 2020, do có dịch từ đầu năm nên đã gấp rút mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa theo kế hoạch được duyệt. Việc tạm dừng xuất khẩu gạo thời điểm này là hợp lý, cần xem xét kỹ để tránh tình trạng cung không đủ cầu. Đang dịch bệnh, nhu cầu của người dân trong nước có thể tăng lên, nhu cầu dự trữ quốc gia cũng sẽ tăng theo, lúc đó sẽ rất khó khăn. Khó khăn đầu tiên là giá cả sẽ lên, mà giá lên thì ảnh hưởng đến người dân.
Toàn TP Cần Thơ đang tồn kho hơn 67.000 tấn lúa, 187.000 tấn gạo. Những ngày qua, giá lúa đã ngưng đà tăng, có nguy cơ sụt giảm… Ảnh: NGỌC TRINH
Dừng sẽ gây nhiều hệ lụy
Ở chiều ngược lại, ông Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dẫn số liệu dự kiến kế hoạch sản xuất năm 2020 sẽ đạt 43,5 triệu tấn lúa và kế hoạch xuất khẩu năm 2020 là 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13-13,4 triệu tấn lúa) để nêu lập luận: "Tính đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 1,3 triệu tấn. So với mục tiêu xuất khẩu, chúng ta mới chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch. Dịp này là cơ hội rất tốt để xuất khẩu gạo. Do đó, việc tạm dừng xuất khẩu phải được xem xét cẩn trọng".
Nếu tạm dừng xuất khẩu gạo, theo ông Trần Xuân Định, các thương nhân sẽ mất uy tín với đối tác, hệ lụy là việc mở rộng thị trường của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, trong khi việc mở rộng thị trường là điều không dễ dàng. Việc tạm dừng xuất khẩu gạo đột ngột cũng sẽ tạo nên cú sốc. Mà đầu tiên bị tác động bởi cú sốc này là những nông dân trồng lúa, sau đó là các DN xuất khẩu gạo.
Còn ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định với năng lực trồng trọt hiện nay, Việt Nam hoàn toàn chủ động và bảo đảm được nguồn cung cho tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia thương mại lúa gạo - TS Nguyễn Đình Bích dẫn Báo cáo tháng 3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy sản lượng gạo thế giới niên vụ 2019-2020 xấp xỉ 500 triệu tấn, cộng với lượng gạo dự trữ đầu vụ là hơn 175 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa của các nước là hơn 492 triệu tấn, nhu cầu xuất khẩu là hơn 44 triệu tấn. "Như vậy, có thể thấy nguồn cung trên thế giới không hề thiếu. Còn với Việt Nam, vựa lúa ĐBSCL cũng như miền Bắc đều không bị mất mùa, do đó chúng ta không thiếu gạo; trên quy mô toàn cầu cũng như tại Việt Nam, không thể có chuyện khủng hoảng lương thực xảy ra" - ông Bích nhận định, đồng thời cảnh báo: "Nếu chúng ta tạm dừng xuất khẩu gạo thì sẽ tự mình đánh mất cơ hội cho đối thủ và cơ hội này sẽ được nhường cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác. Khách hàng của chúng ta sẽ quay lưng và mua gạo từ quốc gia khác. Đây là chuyện đã không ít lần xảy ra trong quá trình xuất khẩu gạo của Việt Nam 30 năm qua, mà bài học xuất khẩu gạo năm 2008 chúng ta cần phải nhớ để rút kinh nghiệm".
Cần Thơ: Giá lúa chững lại, ngân hàng lo nợ xấu
Ngày 26-3, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp thường kỳ với các sở, ngành. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Vụ đông xuân hiện nay, Cần Thơ đã thu hoạch xong trên diện tích 80.000 ha, năng suất lúa đạt khá cao 7,22 tấn/ha, cao nhất trong 4 năm qua". Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, toàn TP tồn kho hơn 67.000 tấn lúa, 187.000 tấn gạo. Những ngày trước, DN đang đà mua vào nhưng từ 2 ngày nay, giá lúa chững lại và DN ngưng mua, chờ phản ứng của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc tạm ngưng xuất khẩu gạo. "Tình hình này giá lúa có thể sẽ giảm nữa. Cần Thơ có 4 DN đang chuyển hàng ra kho ở TP HCM, các DN còn lại đang báo cáo" - ông Toại nói.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, thông tin: Liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, tới nay có trên 1.000 tỉ đồng dư nợ được xem xét giảm lãi suất từ 0,5%-1%, chủ yếu là của DN xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, nhà hàng. Tất cả các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai tín dụng, giảm lãi suất tối đa 1% đối với dư nợ ngắn hạn và 1,5% đối với dư nợ trung - dài hạn. Ông Hà cho rằng nếu Bộ Công Thương không giải quyết được vấn đề tạm ngưng xuất khẩu gạo thì 7.700 tỉ đồng cho vay xuất khẩu gạo của các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ như "ngàn cân treo sợi tóc", nguy cơ nợ xấu phát sinh.
Ca Linh
Bình luận (0)