Ngày 12-8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp (CVD) tôm nước ấm từ Việt Nam, trong đó khẳng định các nhà sản xuất, chế biến một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam có nhận được sự trợ cấp từ chính phủ. Do đó, DOC đã áp đặt mức thuế CVD bắt buộc với Công ty Thủy sản Minh Quí (công ty con của Tập đoàn thủy sản Minh Phú) là 7,88%, Công ty thủy sản Nha Trang với 1,15% và mức thuế cho các công ty xuất khẩu tôm khác ở Việt Nam là 4,52%.
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Chính phủ
Trong thông cáo phản đối quyết định này, VASEP cho rằng đây là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
Việc này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 600 ngàn nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam. Ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng bị thiệt hại nặng nề do phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ.
VASEP cũng dẫn thông tin cho biết năm 2012, ngành tôm nội địa Mỹ đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả, cho thấy tôm nhập khẩu không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại các nhà sản xuất của Mỹ.
Ngày 26-9 tới, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) sẽ xem xét độc lập và có kết luận cuối cùng về vụ kiện này trước khi phán quyết áp thuế CVD chính thức vào ngày 3-10. Do đó VASEP đề nghị ITC xem xét, đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, Tập đoàn Minh Phú cho rằng quyết định trên của DOC sẽ ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu tập đoàn do Mỹ là thị trường lớn nhất hiện nay. Trước mắt, các công ty xuất hàng sang Mỹ phải nộp khoản tiền đặt cọc tương ứng với các mức thuế theo phản quyết của DOC.
Bình luận (0)