Một ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc ngày 8-5-1954.
Ý đồ chia cắt Việt Nam
Theo PGS-TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, hội nghị do 4 cường quốc: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô triệu tập và quá trình thương lượng bị chi phối bởi ngoại giao của chính các nước lớn này, kể cả Trung Quốc. Mỗi bên đều muốn tận dụng hội nghị nhằm phục vụ ý đồ, lợi ích riêng của mình.
Với Pháp, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, họ muốn thoát ra khỏi cuộc chiến tranh và hy vọng trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế được Mỹ và Anh hậu thuẫn sẽ tránh khỏi đàm phán trực tiếp song phương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH). Mục tiêu của Pháp là đạt được giải pháp đình chiến, không lập chính phủ liên hợp, chia cắt Việt Nam. Ban đầu, Pháp thể hiện lập trường cứng rắn, chủ trương chỉ giải quyết vấn đề quân sự theo kiểu Triều Tiên, tức chỉ ngừng bắn. Thế nhưng, sau đó chính phủ mới của Thủ tướng Mendès France (nhậm chức ngày 21-6-1954, thay cho người tiền nhiệm từ chức là Joseph Laniel) muốn rút khỏi chiến tranh Đông Dương trong danh dự, đồng thời duy trì những lợi ích kinh tế và ảnh hưởng văn hóa tại Lào, Campuchia và Việt Nam.
Còn Anh thì chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh, mong muốn thấy một giải pháp cho cuộc xung đột vì lo ngại xung đột có thể lan rộng và ảnh hưởng đến thuộc địa của họ.
Với Liên Xô và Trung Quốc, GS Carlyle A. Thayer, Giáo sư danh dự về chính trị tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học New South Wales (Úc), đánh giá cả 2 đều có chung lo ngại chiến tranh ở Đông Dương có thể leo thang, đặc biệt khi Mỹ kêu gọi một "hành động chung thống nhất" để tiến hành can thiệp. Liên Xô muốn giúp Pháp rút khỏi Đông Dương trong danh dự để Quốc hội Pháp không thông qua Hiệp ước thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy đạt được thỏa thuận ở Đông Dương sau khi có Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên tháng 7-1953 và đều gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam DCCH về việc đàm phán với Pháp.
Đối với Mỹ, PGS-TS Dương Văn Quảng cho rằng nước này luôn tìm cách phá hội nghị và tìm mọi cách ngăn cản Pháp không được thỏa hiệp quá mức và ký hiệp định bất lợi cho ý đồ Mỹ sẽ thay chân Pháp ở Đông Dương. Tại Việt Nam, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch thay thế Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên thay Bửu Lộc làm "Thủ tướng quốc gia Việt Nam". PGS-TS Dương Văn Quảng chỉ rõ ý đồ của Mỹ muốn can thiệp vào Đông Dương, kể cả sau khi hiệp định được ký kết. Việc sắp xếp đoàn quốc gia Việt Nam dự hội nghị cùng với Việt Nam DCCH thể hiện ý đồ chia cắt Việt Nam ngay từ đầu của một số nước lớn, nhất là Mỹ.
Dự đoán chính xác của Bác Hồ
Trong tình hình như thế, Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH tham dự Hội nghị Geneva với tư thế của một dân tộc vừa chiến thắng, kiên định lập trường hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ.
Lập trường đàm phán đã được nêu rõ trong bài phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tờ báo Expressen Thụy Điển ngày 26-10-1953: "Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam". Phương thức đàm phán là "thương lượng đình chiến chủ yếu... giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ Pháp".
Về xu thế chung trên thế giới, trong báo cáo trước Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 3 (diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ "mục đích chính của phe ta là làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng" và chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp trên thế giới bằng thương lượng.
Ngày 1-5-1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quán triệt: "Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Geneva nhưng không nên bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneva bắt đầu để đi đến các cuộc gặp khác".
Mặc dù có nhiều diễn biến không thuận trong khuôn khổ hội nghị và giữa các nước lớn, Việt Nam đã kiên trì đấu tranh với lập trường 8 điểm về một giải pháp toàn diện cả về quân sự và chính trị cho bán đảo Đông Dương. Về quân sự, đề nghị ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Về chính trị, đề nghị bảo đảm hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.
Trước bế tắc của hội nghị do các bên không tìm được tiếng nói chung, cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai diễn ra tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) từ ngày 3 đến 5-7-1954 mang tính quyết định, trao đổi về các vấn đề phân vùng tập kết, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào và Campuchia.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng, cho biết đã được cha mình là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu với những bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva. Đó là sự dự đoán chính xác của Bác Hồ về việc Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva sẽ gặp những áp lực rất lớn, nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào hội nghị. Suốt thời gian diễn ra hội nghị, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thường xuyên báo cáo và xin ý kiến của Bác Hồ.
"Bác căn dặn ba tôi là trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia" - Thiếu tướng Phạm Sơn Dương kể.
Những nhà đàm phán chủ chốt tại Hội nghị Geneva
- Phạm Văn Đồng (1906-2000): Phó Thủ tướng, quyền Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Georges Bidault (1899-1983): Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Pháp.
- Mendès France (1907-1982): Thủ tướng, Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Pháp (thay G. Bidault).
- Chu Ân Lai (1898-1976): Thủ tướng, Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Trung Quốc.
- Viacheslav Molotov (1890-1986): Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Liên Xô, đồng Chủ tịch Hội nghị
- Anthony Eden (1897-1977): Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Anh, đồng Chủ tịch Hội nghị.
- Bedell Smith (1895-1961): Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Mỹ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7
Kỳ tới: 75 ngày đàm phán căng thẳng
Bình luận (0)