Sự thật là năm vẫn trôi đi mải miết, và tuổi đời ta cứ thế mà đếm lên theo. Nhưng ngày tháng vẫn cứ trở lại hoài để nhắc ta từng là đứa trẻ. Thì ra tuổi học trò mới là đẹp nhất. Giữa con đường Hà Nội tím ngắt màu bằng lăng khoe sắc trong nắng hạ, thoáng đâu đây một dư vị nồng nàn chợt gợi lại trong lòng người chút gì đó xa xôi lắm. Phải rồi, tôi nhớ mùa này hai năm về trước, mùa hạ- mùa thi – mùa chia ly!
Tôi nhớ thầy- người thầy đã dắt tôi đến với thế giới văn học, người dạy tôi những bài học đắt giá mà trên đường đời, hơn một lần tôi phải dùng đến chúng. Những đạo lý ấy để dạy đời ư? Không phải, đó là nhân chứng luôn nhắc nhở tôi rằng có những con người đã từng một thời và thậm chí, cả một đời, dốc tâm huyết để mong tôi sống tốt. Thầy Nguyễn Ngọc Kiểm và ngôi trường THPT Tứ Kỳ- những cái tên tôi vẫn còn mãi nhớ. Tôi vẫn luôn thắc mắc, liệu thế giới này có thứ bút mực nào có thể viết nổi trang kỷ niệm của tôi với thầy? Nhưng chắc rằng, miền ký ức đó vẫn vẹn nguyên trong tôi ở một góc nhỏ nào đó, nhất là câu chuyện kỷ niệm đầy sức ảnh hưởng đối với cuộc đời mà thầy từng dạy năm tôi cuối cấp.
Ngày đó, đội tuyển văn ôn thi tỉnh của thầy có năm người trong đó có tôi. Sợ sắp đến ngày thi căng thẳng nên thầy dành cho chúng tôi nhiều ưu ái như: không phải viết bài trên lớp, cộng điểm thành tích… Cũng vì thế mà đôi khi tôi mặc kệ những gì diễn ra trên lớp, chỉ chăm chú tới bài vở đội tuyển. Năm đó, chúng tôi thi học kỳ trước khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Kết thúc đợt thi, tôi ngậm ngùi nhận điểm văn cuối kỳ 5,5 cùng với sự bàng hoàng của thầy và nhiều người. Tôi đã hơi tự tin quá mức nhưng kết quả đó thực sự tồi tệ và có khả năng đánh bại ý chí tôi lúc này. Thầy từng gọi tôi để nói chuyện, để biết lý do nhưng tôi đều cúi đầu không nói. Điều gì đó đang đến khiến tôi thực sự mệt mỏi. Nhưng tôi không ngờ, thầy đã yêu cầu nhà trường phúc khảo bài viết và điểm được nâng lên. Điều này đã khiến cho nhiều thầy cô giảng dạy môn văn không hề hài lòng và chính tôi cũng không hiểu tại sao thầy làm vậy. Thầy chỉ cười rồi vỗ nhẹ vào vai tôi bảo: “Cố lên!”. Lý lẽ của thầy có thể sẽ mãi mãi là ẩn số nếu buổi học thêm hôm đó tôi không vô tình đọc được nhật ký của thầy. Trang mới viết gần đây là câu chuyện của tôi: “ …Có thể đây sẽ là một quyết định có phần quá đáng nhưng mình biết, khơi lại sự tự tin, ý chí và nhắc nhở con bé đừng mất niềm tin vào chính mình là điều nên làm… Mong là con bé về sau sẽ có trách nhiệm với bất cứ những gì mình làm ra, nhất là khi nó được coi là một tác phẩm nghệ thuật”.
Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt như trực trào ra. Thầy làm điều đó là để tôi nên tin, phải tin vào mình, để tôi có cơ hội cố gắng chứng tỏ bản thân ở những kỳ thi sau. Và tôi đã làm được nhờ vào sức mạnh niềm tin mà thầy đã đem đến tặng tôi như một phép màu nhiệm. Tôi biết tự ý thức mỗi lần cầm cây bút và viết những gì thực sự tâm huyết. Có phải vì thế mà tôi thuộc làu làu những triết lý nhân sinh trong “ Đời thừa” của Nam Cao mà thầy từng đọc…
Cứ thế rồi mùa thi qua, đỗ đại học… tôi xa thầy!
Giữa sân trường đầy nắng in dấu bóng dáng thầy tôi nơi xa xôi vẫn có những cơn gió mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian. Nhưng tôi hiểu, gió khẽ hát bên tai để nhắc nhở tôi biết -chúng ta vẫn có thể yêu thương từ một nơi rất xa, có thể biết ơn những con người từng lướt qua cuộc đời ta bằng những phút nhớ lại. Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, ta hãy để dành trong đời mình những khoảng lặng chờ đợi. Không chỉ như chờ chuyến xe buýt một chiều có mưa, chờ cho đi rồi hãy nhận. Và như chờ kỉ niệm theo kịp rồi hãy đi!
Bình luận (0)