Thầy Hòa là hiệu phó của trường kiêm giáo viên dạy môn địa lý. Dưới con mắt của mọi người, thầy Hòa là người vui tính và hóm hỉnh. Những giờ dạy địa lý của thầy đều mang lại sự thích thú cho học sinh. Sau những tiết học, thỉnh thoảng thầy còn kể cho học sinh nghe những câu chuyện cảm động mà thầy đọc được từ sách.
Ngày ấy, xung quanh nhà tôi rất nhiều ao hồ nên tôi mê câu cá lắm, mê đến nỗi không muốn đi học, chỉ thích ở nhà đi câu cá. Bởi vậy, tôi tìm đủ mọi lý do để được ở nhà. Còn nhớ lần ấy, tôi chỉ đạp cái gai xương rồng nhưng cố làm ra vẻ đau đớn để được ở nhà câu cá. Cha tôi phải cõng tôi tới lớp vì tôi nghỉ học nhiều rồi, nếu nghỉ thêm có nguy cơ sẽ ở lại lớp.
Vào một buổi chiều, sau tiết học địa lý, cả lớp tôi ở lại để nghe thầy kể câu chuyện trong cuốn sách nổi tiếng Chuyện một người chân chính của nhà văn Xô viết Boris Polevoy. Câu chuyện kể về một phi công Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong một trận đánh, máy bay của anh bị bắn rơi. Anh nhảy dù thoát chết nhưng hai chân bị giập nát. Không dễ dàng đầu hàng số phận, anh tìm cách quay về với đồng đội. Và chỉ với đôi chân mới bằng gỗ, anh tiếp tục lái máy bay bắn rơi máy bay quân thù và sau đó được phong tặng danh hiệu anh hùng. Kể xong câu chuyện, thầy Hòa im lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi xúc động nói: “Thầy vừa kể cho các em nghe câu chuyện về một con người chân chính đã dũng cảm dám đứng vững trên đôi chân của chính mình, cho dù đó chỉ là một đôi chân bằng gỗ. Thầy mong sau này khi vào đời, các em cũng sẽ đứng vững trên đôi chân của chính mình, đừng bao giờ đứng trên đôi chân của người khác…”.
Như có gì đó bừng tỉnh trong cái đầu còn quá non nớt của tôi lúc bấy giờ. Ngày hôm sau, tôi tự mình đến lớp mà không cần cha tôi phải cõng. Có lẽ, người ngạc nhiên nhất là cha tôi. Ông không còn thấy vẻ mặt phụng phịu dỗi hờn hằng ngày nơi tôi nữa, thay vào đó là sự tự giác cao độ, đôi lúc đến phấn khích.
Ở kỳ thi học kỳ cuối năm học đó, trong lúc tôi đang toát mồ hôi để giải những bài toán hóc búa thì cô bạn gái ngồi cạnh luồn tay qua hộc bàn đưa cho tôi bài giải. Một thoáng phân vân hiện trong đầu tôi: chép bài của bạn hay chấp nhận điểm kém, đứng trên đôi chân của chính mình hay trên đôi chân của người khác? Sau một thoáng suy nghĩ, tôi lắc đầu trả lại bài giải trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của cô bạn học. Bài thi toán học kỳ năm đó tôi chỉ được điểm 4 nên cuối năm không đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Sau này khi ra trường đi làm cho một công ty, tay trưởng phòng gợi ý nếu hối lộ cho hắn thì hắn sẽ đề bạt tôi lên, nếu không thì mất việc. Sau đó, chính tôi đã tự làm đơn xin nghỉ việc vì không chịu nỗi cảnh hối lộ luồn cúi.
Bình luận (0)