xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ về cô giáo của tôi

Huỳnh Thị Tuyết Nhung (TP.HCM)

Bây giờ đêm đã qua ngày khác. Tôi ngồi viết lại cảm nghĩ, suy nghĩ của mình; ghi lại những gì đã nghe, thấy, ngửi, chạm, cảm trong ngày. Thói quen này là do cô giáo Nguyễn Thị Tuyết dạy Việt văn lớp tám đã dạy tôi.

Tôi nhớ cô nói, các em là những học sinh đầu lòng của nghề gõ đầu trẻ của cô. Tôi nhớ cô nói cô tốt nghiệp Đại học Đà Lạt với hai bằng cử nhân: bằng Việt Hán và bằng Sử Địa. Tôi phục cô quá. Cô dạy lũ học trò lớp tám tập thói quen đọc sách, và khởi đầu là đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn.
 

img

Cô giao cho bàn tôi có 5 đứa phải đọc và thuyết trình tác phẩm “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh. Chúng tôi đọc xong viết lăng nhăng và lên bục gỗ vừa nói cà lăm vừa run toát mồ hôi về tác phẩm ấy. Cô không cười, cứ một mực động viên:  “Đừng sợ, mấy em cứ nói hết suy nghĩ của mình”. Ôi, cô ơi, lòng cô bao dung quá!
 
Rồi một hôm cô khóc trong lớp học. Số là, trong lớp ấy có nhỏ Th. và tôi là hai đứa viết luận văn khá nhất lớp. Trong một đề luận cô ra cho lũ học trò: “Em hãy kể lại một chuyến đi xa lần đầu trong đời”, tôi viết về một chuyến ra Huế. Vì tôi có ra nhà ông bác ruột bên Sông Hương vài lần, thế là tha hồ phịa.
 
Nào là đêm trước khi đi, không ngủ được, nào là ra bến xe rồi lên xe Traction Citreon, vượt qua 3 ngọn đèo, rồi ra tới Huế, đi thăm lăng vua này vua kia. Mà thực sự tôi có đi đâu xa, mỗi lần ra Huế tôi chỉ loanh quanh trong nhà của ông bác, đi xa lắm là tới ngôi nhà thờ chính tòa Phú Cam. Rồi tôi tả nào là tài xế xe đò sử dụng tay lái lành nghề, quẹo qua quẹo lại quanh những khúc đường  ngoằn ngoèo như rắn trườn trên đèo Hải Vân mà tôi đã cọp bi trong Điệp viên Z 28.
 
Bài luận ấy tôi được chấm nhất lớp. Còn nhỏ Th.  không biết viết sao lạc đề, bị điểm thấp. Nó ức lắm, và khi cô Tuyết vừa phát trả lại bài luận cho học trò, Th. xé nát bài luận văn của mình. Cô thấy thế và khóc liền.
 
Ngày ấy, chủ nhật mấy đứa học trò cưng chúng tôi thường đến nhà cô. Như một người chị, cô dạy chúng tôi làm bánh bông lan, kem plan, đan len… Cô bảo con gái phải giỏi nữ công gia chánh để sau này còn quán xuyến cái gia đình. Thấy cô sống một mình, bọn tôi tò mò hỏi người yêu của cô đâu? Cô cười thật hiền. Đôi mắt đẹp và buồn mơ màng về một nơi xa xăm, cô nói có người yêu đang học ở Canada. Cô chờ người ấy ăn học thành tài.
 
Thời gian cứ thế trôi đi. Chúng tôi lên lớp 10 niên khóa 1972-1973. Tôi gặp lại cô trong ba, bốn tháng cuối cùng của niên học ấy. Cô dạy thế giờ sử - địa cho thầy khác. Cô vẫn tận tâm và hết mực yêu học trò. Rồi hạ về, tan trường, cô trò xa nhau, mỗi người trôi theo một dòng đời riêng, không nhớ không thương vì chưa xa, chưa mất nhau.
  
Chẳng bao lâu sau, tôi được tin cô đã ra người thiên cổ trong một tai nạn giao thông. Bao nhiêu năm cô vẫn ở vậy đợi chờ. Cô ra đi mà chưa kịp gặp lại người yêu ở phương trời xa xôi ấy. Trời ơi, vậy là bây giờ và tới thiên thu, chúng ta không bao giờ gặp lại cô nữa.
 
Cô ơi, em đội ơn cô dạy cho em biết yêu tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Cô dạy em biết - nên biết đọc tiểu thuyết hay để nuôi dưỡng lòng nhân ái. Hôm nay em được dăm ba chữ, biết yêu cái đẹp của văn chương nghệ thuật là phần nhiều nhờ cô chỉ bày. Hành trang ấy mang theo bên em đến khi nhắm mắt xuôi tay.
 
Cô ơi! Em đang khóc.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo