Tôi với Thắng có bà con họ hàng xa cỡ “bắn mấy tầm đại bác mới tới”. Tuy vậy, do ông bà có câu “máu thoảng hơn nước lã” nên dù chẳng biết tình họ hàng giữa hai đứa “máu thoảng” đến cỡ nào nhưng tôi vẫn thường hay bênh vực Thắng. Vậy mà tôi lại giận Thắng chỉ vì một chuyện lãng nhách do cái tính trẻ con của tôi.
Số là năm đó, tôi cũng được chọn vào nhóm 4 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn của huyện. Cô giáo Hạnh là người trực tiếp bồi dưỡng cho 4 đứa. Vì yêu thương Thắng, cô Hạnh đã không hề giấu giếm những lời ngợi khen dành cho cậu ấy trước mặt chúng tôi. Thật ra, chuyện cô Hạnh ưu ái ngợi khen cậu ấy cũng là lẽ thường tình bởi vì Thắng vừa học giỏi lại chăm chỉ nên cô rất kỳ vọng vào cậu ấy trong kỳ thi học sinh giỏi văn sắp tới. Bọn bạn cùng khóa biết chuyện nên thường ví ba đứa tôi chỉ là những “chân gỗ” cho Thắng. Ban đầu, tôi cũng chỉ cảm thấy có đôi chút khó chịu nhưng càng về sau tôi càng hậm hực với Thắng…
Kết quả không nằm ngoài dự đoán của cô Hạnh và mọi người, Thắng đã đoạt giải hai học sinh giỏi văn toàn huyện, còn ba đứa chúng tôi thì trượt vỏ chuối. Thắng được tâng lên tận mây xanh, trong trường ở đâu cũng nghe thấy những lời ca tụng cậu ấy. Trong khi Thắng đang hưởng niềm vui vô bờ của một người chiến thắng thì tôi lại âm thầm gặm nhấm sự thất bại của mình. Thế là từ chỗ mặc cảm, xấu hổ về kết quả thi, tôi quay sang đố kỵ và giận Thắng.
Kể từ đó, tôi thường lảng tránh cậu ấy cho đến một ngày....
Cả trường từ giáo viên đến học sinh đều xôn xao về tin Thắng mắc bệnh nan y. Hơn một tháng trời phải nghỉ học để chạy hết bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận cậu ấy bị bệnh máu trắng, một căn bệnh hiếm gặp vào những năm cuối thập niên 70. Tôi thực sự choáng váng khi hay tin Thắng bạo bệnh. Cô giáo Hạnh khóc sưng cả mắt trước bệnh tình của cậu học trò cưng. Suốt thời gian Thắng bệnh, cứ hết mỗi buổi dạy là cô lại đến nhà Thắng để động viên cậu ấy.
Sau gần hai tháng điều thị không kết quả, Thắng ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho người thân, thầy cô, bạn bè trong trường cùng bao ước mơ và hoài bão của tuổi học trò. Đám tang của Thắng rất đông người tiễn đưa trong đó có không ít bạn bè cùng trang lứa. Không ai cầm được nước mắt trước sự vĩnh viễn ra đi của một người bạn học giỏi, ngoan hiền. Tôi nghẹn ngào lầm lũi bước trong đám đông. Mắt tôi ngấn lệ, những giọt lệ của xót thương và ân hận, tôi ân hận bởi cái quãng thời gian mình đã giận Thắng một cách vô cớ. Khi bốc nắm đất bỏ xuống huyệt mộ của Thắng thay lời tiễn biệt, tôi không nén nổi xúc động nên chợt kêu to hai tiếng “Thắng ơi!” rồi oà khóc nức nở và bỏ chạy thẳng một mạch về trường. Tôi không còn đủ can đảm đứng đó cho đến giờ phút cuối đễ tiễn đưa Thắng vào cõi vĩnh hằng...
Đã 36 năm trôi qua, thời gian quá đủ để có thể xoa dịu và lãng quên đi những chuyện buồn phiền xảy ra trong cuộc đời của một con người. Nhưng với tôi, mỗi khi nhớ lại tuổi học trò thì vẫn còn đó canh cánh trong lòng một nỗi ân hận khôn nguôi chỉ bởi một lần vô cớ tôi đã từng giận Thắng. Thắng ơi! Cả cuộc đời này tớ sẽ mãi còn nợ cậu một lời xin lỗi.
Cuộc sống chẳng thể biết trước được điều gì sẽ đến, nếu muốn tránh bớt những ân hận về sau thì mỗi một chúng ta hãy biết yêu thương nhau khi có thể.
Bình luận (0)