Sự kiện này khiến ai cũng phấn khởi, trường tổ chức thi đua giữ gìn cơ sở vật chất, bảo vệ sự sạch đẹp của ngôi trường. Nhưng không phải học sinh nào cũng nhận thức được điều đó.
Hôm đó, tôi có giờ Ngữ văn vào tiết thứ ba ở lớp 9E – lớp có một số học sinh rất nghịch – do tôi làm chủ nhiệm. Vừa bước vào lớp, tôi đã nhanh chóng bị thu hút bởi một hình vẽ trên tường, ngay chỗ bàn giáo viên. Trên bức tường vôi trắng xóa, hiện lên hình đôi trái tim lồng vào nhau. Nét vẽ cẩu thả cộng với màu mực đen trên nền tường trắng khiến cho hình vẽ càng thiếu tính thẩm mỹ. Tôi tỏ vẻ khó chịu nhìn cả lớp:
- Ở tiểu học, các em đã được học bài “Đẹp mà không đẹp” rồi chứ!
Cả lớp ngơ ngác, im lặng, dường như không hiểu hàm ý trong câu nói của tôi. Thấy vậy, tôi chỉ lên hình vẽ, giọng hơi gắt:
- Em nào vẽ bậy lên tường, đứng lên!
Vẫn là sự im lặng của cả lớp khiến tôi càng bực mình. Quả thực, việc nhanh chóng tìm ra “thủ phạm” trong chuyện này không phải dễ bởi vì học sinh nào cũng có hộp bút vẽ và với một hình vẽ “kém tài hoa” như thế này thì em nào cũng có thể thực hiện được. Không muốn mất nhiều thời gian của giờ học, tôi khẽ thở dài và nói:
- Thôi được! Tạm gác lại chuyện này, tôi sẽ giải quyết vào sau tiết 5. Bây giờ chúng ta vào bài học mới!
Nói thế nhưng trong đầu tôi vẫn lởn vởn hình ảnh đôi trái tim màu đen kia và cách giải quyết việc này như thế nào? Trong khi giảng bài, tôi bỗng phát hiện đôi bàn tay của Hùng dính nhiều vết mực - giống với màu mực trên tường. Hùng là một trong số những học sinh nghịch nhất lớp, được tôi xếp ngồi ở bàn đầu tiên để các thầy cô giáo dễ theo dõi, nhằm giúp em tiến bộ hơn.
Lúc này, tôi khẽ thở phào vì có thể đã tìm ra học sinh vẽ bậy nhưng chợt thoáng buồn vì Hùng chưa tiến bộ được bao nhiêu. Bắt gặp ánh mắt của tôi, Hùng chợt đỏ mặt, bối rối. Mặc dù càng tin tưởng vào phát hiện của mình nhưng tôi vẫn chưa dám kết luận ngay. Hết giờ, tôi gặp riêng lớp trưởng thì được biết hình vẽ đó xuất hiện trong giờ ra chơi trước tiết 2 nhưng lúc đó lớp lộn xộn nên không ai để ý học sinh nào đã vẽ. Sau đó tôi lại gặp riêng Hùng:
- Những vết mực ở bàn tay em và hình vẽ trên tường liệu có liên quan đến nhau không?
- Thưa cô, em không vẽ ạ! Giờ ra chơi trước tiết 2, em lấy giấy bút ra vẽ tranh để nộp vào đầu giờ Mỹ thuật nhưng bức tranh bị hỏng nên em ra ngoài mua giấy để vẽ lại. Khi vào lớp đã thấy hình vẽ ấy! Còn những vết mực này (Hùng đưa tay lên trước tôi) là do vỏ bút bị rạn nứt nên mực dây ra ngoài…
Cho Hùng về lớp nhưng tôi rất băn khoăn. Chưa thể khẳng định Hùng vẽ bậy nhưng em cũng chưa chứng minh một cách thuyết phục là mình không liên quan đến việc này. Sau tiết 5, tôi bước vào lớp với vẻ mặt nghiêm nghị và nói:
- Dám làm thì dám chịu! Em nào vẽ lên tường thì tự giác nhận trách nhiệm. Nếu không, tôi sẽ yêu cầu cả lớp chiều nay phải quét vôi tất cả những vết bẩn ở khắp khu nhà cao tầng này!
Nói thế thôi chứ tôi biết nếu phạt cả lớp lao động thì sẽ không thuyết phục các em lắm. Không khí của lớp bỗng chùng hẳn xuống, khá nặng nề. Bất ngờ Hùng đứng lên và nói:
- Thưa thầy, chiều nay em sẽ đến quét vôi, xóa vết bẩn kia đi ạ!
- Như vậy có nghĩa là…
- Thưa thầy, em không vẽ bậy nhưng nhà em gần đây nên em có thể quét vôi thay cho bạn nào đã trót vẽ ạ!
Ngay lúc đó, Tuấn - cũng là một học sinh hay quậy phá, nghịch ngợm - vụt đứng dậy, nói:
- Thưa thầy, em là người đã vẽ hình kia! Em xin nhận khuyết điểm và thầy cho em đi quét vôi ạ!
Hùng quay sang Tuấn và nói:
- Vậy thì chiều nay chúng mình cùng đi nhé!
Bất ngờ này tiếp bất ngờ khác khiến tôi mừng vui chộn rộn. Vậy là người vẽ đã nhận lỗi còn qua việc này, Hùng đã chứng tỏ mình tiến bộ hơn rồi. Không ngờ từ một hành vi không đẹp của Tuấn mà dẫn đến một cách ứng xử đẹp của hai em. Cũng may là tôi chưa vội vàng kết luận gì về Hùng, nếu không, chắc tôi còn phải nghĩ ngợi rất nhiều bởi những vết bẩn trên tường sẽ được xóa đi một cách dễ dàng còn những “dấu vết” trong lòng cậu học trò có thể sẽ còn in lại suốt đời.
Bình luận (0)