Tôi biết bố mẹ đều rất thương mình nhưng vì gia đình quá khó khăn nên phải tìm cách nào có lợi nhất. Thế là sau khi bàn bạc, gia đình quyết định phương án của bố.
Những năm của thập kỷ chín mươi về trước, phương tiện giao thông rất khó khăn nên dù quê tôi chỉ cách Đà Nẵng chưa đến bảy mươi cây số mà tưởng chừng như xa xôi vượt đại dương. Tuổi thơ tôi chỉ quanh quẩn bên lũy tre làng với thời khóa biểu đều đặn một buổi đi học một buổi chăn trâu. Lúc đó, cả xã chỉ có vài cái ti vi trắng đen nên thông tin rất nghèo nàn.
Tôi quê mùa đến nỗi trên chuyến xe từ trong quê ra Đà Nẵng, tôi luôn để ý ranh giới giữa nông thôn và thành phố nó như thế nào, có cái gì để phân biệt không?! Đến nơi, khi bước xuống xe là một không gian hoàn toàn xa lạ, chân tôi như cúm lại, không sao qua đường được với những dòng xe nối đuôi nhau nườm nượp. Chần chừ hơn nửa tiếng đồng hồ thì có một chú dừng chiếc xích lô đến giúp chúng tôi qua đường dưới cái nắng chang chang. Chú tên Tường, nhà ở trong con hẻm nhỏ gần sát Chợ Cồn.
Sau vài câu chuyện trò, biết chúng tôi đi thi, chú nói ngay: Nhà tôi rộng lắm, ba bà con cùng về trọ cũng được. Nhưng hai bố con Kỳ thì đã xin được chỗ trọ ở nhà người quen rồi nên gởi tôi vào nhà chú (vì chỗ bố con Kỳ trọ quá chật, chỉ đủ cho 2 người nằm).
Tranh thủ ôn thi trên vỉa hè (Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐO)
Mặc dầu lần đầu tiên xa nhà vô cùng bỡ ngỡ nhưng bốn ngày trọ ở nhà chú làm tôi rất yên tâm. Tuy ở phố nhưng cũng còn nhiều khó khăn, song chú thím và mọi người trong gia đình sống rất chân thành, tình cảm. Trước đó, tôi thường nghe nhiều người trong quê bảo ở phố mọi người ít có tình cảm, sống phần ai nấy tỏ, nhà ai nấy biết, nhưng chuyến đi này đã làm tôi thay đổi hẳn cách nghĩ cực đoan như vậy.
Đến ngày cuối kỳ thi, phải chia tay gia đình chú thím, tôi rất bịn rịn. Nghe lời bố mẹ dặn, tôi cẩn thận mượn chiếc đĩa đặt lên bàn rồi để tiền vào đấy. Sau đó, mời chú thím lên nói lời cám ơn và thưa gởi tiền cơm nước. Không ngờ, chú thím đều mỉm cười vui vẻ và nói với tôi: Cháu biết điều thế là tốt rồi. Chú thím nhận của cháu tấm lòng còn tiền thì cháu để về xe.
Sau khi nài nỉ nhưng chú thím nhất quyết không nhận, thế là tôi đành bỏ tiền vào túi về quê. Xem như cả kỳ thi đại học tôi không tốn một đồng ăn ở nào.
Sau này, đậu đại học rồi học ra trường, tôi đều thường xuyên ghé thăm gia đình chú thím và luôn nhận được những tình cảm chân thành cùng với lời bảo ban, dặn dò ân cần, chu đáo của chú thím.
Tôi mong muốn xã hội chúng ta có thật nhiều người tốt như vậy để bớt đi những nỗi khó khăn, bỡ ngỡ của những sĩ tử quê mùa như tôi lần đầu ra phố. Với bài viết này, xin gởi đến chú thím lời cảm phục và lòng biết ơn sâu sắc tận đáy lòng của cháu.
Bình luận (0)